Sắp xếp lại các đơn vị KHCN của ngành Công Thương
30/06/2011 07:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hoạt động KHCN của ngành Công Thương đã góp phần giải quyết các yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Viện Dầu khí. - Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 29/6, Đoàn công tác của Chính Phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương nhằm đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2006-2010.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khảo sát, đánh giá các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại Viện nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công thương và Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Với đặc thù quản lý đa ngành, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc ngành hiện quản lý nhiều trường đào tạo, viện nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ , tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ, các tổ chức khoa học ngành Công Thương đã tích cực chuyển đổi mô hình, tổ chức theo hướng tinh gọn, tự chịu trách nhiệm.
Kinh phí Nhà nước chi cho hoạt động khoa học công nghệ của ngành Công Thương đã tăng khá mạnh từ 87 tỷ đồng năm 2006 lên 214,2 tỷ đồng năm 2010.
Hiện nay, hoạt động khoa học công nghệ của ngành đã khẳng định được vai trò, góp phần giải quyết các yêu cầu của sản xuất. Cụ thể, trong lĩnh vực chế tạo, ngành đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn.
Trong lĩnh vực khoáng sản luyện kim, hóa chất, đã làm chủ công nghệ cơ giới hóa khai thác, sử dụng dàn chống tự hành đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc 35 độ.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, đã nghiên cứu làm rõ trữ lượng dầu khí toàn khu vực thềm lục địa và lãnh thổ Việt Nam, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của ngành dầu khí.
Làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần rà soát lại danh mục cơ cấu vốn và chế độ ưu đãi vốn cho các viện nghiên cứu. - Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, thành công của một số viện nghiên cứu cho thấy, cần có các chương trình khoa học công nghệ gắn với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tổ chức khoa học công nghệ được ưu tiên tham gia thực hiện hoặc cung cấp các sản phẩm, từ đó từng bước làm chủ công nghệ, thay thế công nghệ nhập.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các hướng dẫn và sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ. Các viện vẫn chưa được giao đất và tài sản, do đó vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để thực hiện các hợp đồng đòi hỏi vốn lớn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả hoạt động khoa học của ngành Công Thương như nghiên cứu trong các lĩnh vực chế tạo cơ khí, dầu khí, năng lượng, khai khoáng...
Đồng tình với chiến lược 5 năm tới 2011-2015 về phát triển khoa học công nghệ của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ cần tính toán đánh giá và sắp xếp lại các viện nghiên cứu thuộc bộ và các viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn, Tổng công ty cho phù hợp với nhu cầu, đồng thời giao nhiệm vụ và có định hướng chi tiết cụ thể cho các viện.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới các kiến nghị của các viện, trường và các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Trong đó, cần chú ý rà soát lại danh mục cơ cấu vốn và chế độ ưu đãi vốn cho các viện nghiên cứu.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...