Tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi của Tây Bắc còn rất lớn
24/06/2011 07:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sớm đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính ở Tây Bắc. Đây cũng là hướng chủ yếu để vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 23/6, tại Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chuyển giao khoa học-công nghệ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Trong những năm qua, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi ở các tỉnh vùng Tây Bắc được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện mạnh mẽ.
Từ 2004 – 2010, các tỉnh trong vùng đã triển khai 518 đề án, dự án khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong đó có 342 dự án cho ngành trồng trọt, 59 dự án chăn nuôi, 39 dự án thủy sản, 37 dự án lâm nghiệp…
96% số huyện trong vùng có trạm khuyến nông (cả nước là 81%). Năm 2010, kinh phí Trung ương bố trí cho công tác khuyến nông của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ là gần 30 tỷ đồng, chiếm trên 28% nguồn kinh phí khuyến nông toàn quốc.
Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi phổ biến tăng mạnh, sản lượng thịt năm 2010 ở các địa phương trong vùng tăng 13% so với 2009; sữa tăng 17,6%, trứng tăng 5,8%...
Nhiều địa phương đã chú trọng chăn nuôi đại gia súc, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn trâu bò hàng năm tăng trên 5% như Hà Giang, Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên…
Cơ cấu giống vật nuôi đang được chuyển đổi, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất như bò lai Sind, Zebu; lợn ngoại hướng nạc; bên cạnh đó, nhiều giống vật nuôi bản địa đặc sản cũng được nhân rộng như gà ác, lợn rừng, nhím, ong, ba ba…
Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày một tăng, hiện khoảng 20-35%.
Bên cạnh đó, phương thức tổ chức chăn nuôi của các tỉnh trong vùng đang có sự chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; số gia trại, trang trại ngày càng nhiều và có quy mô ngày một lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm…
Khẳng định vai trò quan trọng của chăn nuôi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Bắc, các đại biểu tại Hội nghị cho rằng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có về chăn nuôi, vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong vùng Tây Bắc là phải đánh thức, khai thác được tiềm năng này, phát triển chăn nuôi phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển chăn nuôi đã được lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương trong vùng chia sẻ tại Hội nghị.
Lãnh đạo một số tỉnh trong vùng khẳng định, trong thời tới các địa phương này sẽ dành sự quan tâm thỏa đáng tới việc chỉ đạo xây dựng các cơ sở sản xuất giống, cung cấp đủ giống cho người chăn nuôi, coi đây là một trong những yếu tố đảm bảo cho chăn nuôi thành công.
Hướng chính để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mong Tây Bắc sớm đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính - Ảnh: Chinhphu.vn
Ghi nhận những kết quả đạt được trong hoạt động phát triển chăn nuôi ở các tỉnh vùng Tây Bắc thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà các tỉnh trong vùng cần có các giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Cụ thể, kết quả phát triển chăn nuôi là chưa đồng đều ở các địa phương trong vùng và chưa mạng lại hiệu quả thực sự bền vững; vẫn chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu; việc tổ chức vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chủ yếu vẫn là tự phát, thiếu ổn định…
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế cho phát triển chăn nuôi của vùng Tây Bắc còn rất lớn; các địa phương trong vùng cần phát huy tối đa thế mạnh này để sớm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong sự gắn bó chặt chẽ với trồng trọt và nghề rừng.
Theo đó, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi, tập trung cao cho các sản phẩm có lợi thế như trâu, bò thịt, bò sữa, gia cầm, thủy đặc sản…
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ trong chăn nuôi, trong đó chú ý tới đẩy mạnh chương trình Sind hóa, Zebu hóa đàn bò của vùng, xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi tiên tiến phù hợp với từng vùng sinh thái…
Cùng với đó là hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động chuyển giao khoa học-công nghệ trong chăn nuôi; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiện toàn hệ thống thú y, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao năng lực cán bộ, nhất là cán bộ thú y cơ sở; chữa trị và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng nhấn mạnh các địa phương trong vùng cần tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi, khắc phục tình trạng ách tắc trong tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, thiết lập các kênh tiêu thụ ổn định, tạo thuận lợi cho lưu thông sản phẩm từ cơ sở sản xuất, các đầu mối thu mua, các cơ sở chế biến đến các trung tâm tiêu thụ sản phẩm.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...