Thúc đẩy 3 giải pháp tạo việc làm bền vững cho nhóm yếu thế

16/06/2011 07:49 AM


Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề; khung chính sách về bảo hiểm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới là những giải pháp căn cơ để tạo việc làm cho người lao động và nhóm yếu thế.

Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề; khung chính sách về bảo hiểm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới là những giải pháp căn cơ để tạo việc làm cho người lao động và nhóm yếu thế.

 

Nâng cao chất lượng dạy nghề là giải pháp căn cơ tạo việc làm bền vững cho người lao động. - Ảnh: Chinhphu.vn

 

Đây là những nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị đánh giá Dự án việc làm bền vững và phúc lợi xã hội cho người lao động và nhóm yếu thế 2009-2010 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15/6.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có gần 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế, chiếm gần 24% lực lượng lao động, bao gồm: 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 180 nghìn lao động nhiễm HIV được phát hiện, 190 nghìn lao động nghiện ma túy, 1 triệu lao động di cư, hồi hương, trên 500 nghìn người thất nghiệp dài hạn (từ 1 năm trở lên).

Thống kê cũng cho thấy, gần 80% lao động yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn. Đa số họ có trình độ học vấn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo nghề, trên 40% chưa bao giờ đi làm.

Tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống về vật chất, tinh thần cho người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia, để tạo việc làm bền vững và đảm bảo phúc lợi xã hội cần hoàn thiện 3 mục tiêu: chính sách đào tạo nghề, khung chính sách về bảo hiểm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.

Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, để nâng cao chất lượng dạy nghề cần tăng cường dịch vụ kiểm định chất lượng. Điều này sẽ tạo động lực khuyến khích các cơ sở dạy nghề tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đào tạo được lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp có tay nghề cao, có ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp.

Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề đang được nghiên cứu xây dựng. Hiện, tài liệu đào tạo 7 kỹ năng cho Kiểm định viên chất lượng dạy nghề đã được xây dựng.

Đồng thời với việc kiểm định chất lượng, văn hóa nghề cũng sẽ được tăng cường giảng dạy, trước mắt sẽ thí điểm ở một số trường cao đẳng nghề: Quy Nhơn, Công nghiệp Thanh hóa và Việt – Đức Vĩnh Phúc.

Theo Chuyên gia Hội Dạy nghề Phan Thức, văn hóa nghề nếu được nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả sẽ góp phần vào việc phát triển dạy nghề, tăng cường việc làm bền vững cho người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trong thời gian tới.

Về việc hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Thị Thúy Nga cho biết, một số việc làm cụ thể đã được triển khai như: nghiên cứu về quỹ hưu trí bổ sung đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và điều tra tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong các ngành nghề; xây dựng văn bản trình Chính phủ về bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nhóm lao động yếu thế có việc làm thực sự bền vững cần tăng cường sự phối hợp giữa các trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm dịch vụ công tác xã hội.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp tạo cơ hội cho người sử dụng lao động, người lao động thuộc nhóm yếu thế tham gia như: tổ chức các hội chợ việc làm dành riêng cho nhóm lao động yếu thế; dạy nghề cho nhóm yếu thế với đa cấp trình độ, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng cung cấp lao động cho thị trường….

Theo Chinhphu.vn