Khuyến khích các dự án đầu tư vào phát triển điện gió
24/05/2011 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế trình Chính phủ ban hành quy định hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam ngay trong tháng 5 này.
Các tua-bin đầu tiên của Nhà máy điện gió Tuy Phong.
Nằm bên quốc lộ 1A, cách bờ biển khoảng 500m, Nhà máy điện gió Tuy Phong do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn hơn 2.000 tỉ đồng, tổng công suất 120 MW, trong đó giai đoạn 1 có công suất 30 MW (hoàn thành đầu năm 2011) với 20 turbin gió đầu tiên đã hoàn thành lắp đặt vận hành, công suất mỗi turbin là 1,5 MW.
Nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị xong các thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 có công suất 90 MW, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Trong dự án này, diện tích đất chiếm dụng chỉ 150ha, trong đó có 20% đất nông nghiệp nhưng đã bỏ hoang vì khô cằn, không thể trồng trọt.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký 12 dự án trong lĩnh vực phong điện với tổng công suất hơn 2.000 MW. Diện tích chiếm đất khảo sát toàn bộ của 12 dự án này là 13.900 ha, trong đó diện tích đất sử dụng vĩnh viễn khoảng 700 ha.
Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận phân tích, nhà máy phong điện chủ yếu sử dụng đất hoang hóa, hầu như không đụng đến diện tích đất sản xuất trên địa bàn mà lại tạo ra việc làm cũng như dịch vụ ăn theo, do đó chính quyền và người dân rất đồng thuận. Ông Nhựt cho biết tỉnh chỉ chọn lựa, ưu tiên các nhà đầu tư vào những vị trí đất khô cằn, không ảnh hưởng đến đất lúa, hoa màu của người dân.
Sớm loại bỏ những bất cập
Nghiên cứu về tiềm năng điện gió ở Việt Nam cho thấy, 8,6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng cao và rất cao cho phát triển loại năng lượng này (với vận tốc gió >7m/s). Tuy nhiên, phát triển điện gió ở Việt Nam mới chỉ đạt được sản lượng 150 – 200MW.
Thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới phổ biến công suất 30 MW đang được nghiên cứu triển khai tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng. Trong khi đó, đây là những địa phương được đánh giá có tiềm năng điện gió với công suất thiết kế khoảng trên 2.000 MW.
Hạn chế trên là do đầu tư điện gió ở Việt Nam còn chưa phát triển, có nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, thời tiết, công nghệ và đặc biệt là suất đầu tư cao dẫn tới giá thành, giá bán điện cao.
Ngoài ra, việc cấp phép, triển khai các nhà máy điện gió nhìn chung vẫn tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể chưa bổ sung quy hoạch điện lực chung của địa phương và khu vực.
Ví như hiện nay, việc đàm phán giá bán điện giữa các chủ đầu tư điện gió với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đến nay, vẫn chưa có chủ dự án điện gió nào ký kết được với EVN về giá bán sản phẩm, kể cả Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri, việc ban hành chính sách sớm sẽ góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu điện hiện nay, bởi việc đầu tư các dự án điện gió nhanh. Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm đấu nối dự án điện gió với hệ thống điện để tránh hiện tượng đầu tư xong nhưng chưa thỏa thuận được đấu nối, gây tốn kém lãng phí.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...