Địa phương cần chủ động di dời dân khỏi khu vực mưa, bão nguy hiểm

18/04/2011 07:35 AM


Tại Chỉ thị 547/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi định cư mới an toàn.

Tại Chỉ thị 547/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi định cư mới an toàn.


 
Sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lụt - Ảnh Chinhphu.vn
 
 

Trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài được, các địa phương phải xây dựng phương án sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết. Đồng thời, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đến từng thôn, xã, đặc biệt những vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ; bố trí thiết bị, phương tiện, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp huyện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt bão năm 2010, xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2011 sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

Các địa phương có đê hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê, kè, cống trước mùa mưa lũ. Đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ đê khi xảy ra sự cố.

Các địa phương ven biển có nhiệm vụ thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu thuyền vận tải, du lịch theo phân cấp. Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng ven biển kiểm tra chặt chẽ phương tiện đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền, nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh trước khi ra biển, không để tàu thuyền không đảm bảo an toàn ra khơi.

Các địa phương này cần chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân còn hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi, trung du cũng cần triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, truyền tin tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo…

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 của các địa phương, đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, dân cư… theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các hồ nguy hiểm không trữ nước mùa mưa bão

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương nơi có các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của từng hồ trước mùa mưa bão; chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa để đảm bảo an toàn. Đồng thời, kiểm tra vận hành thử các cửa van và thiết bị phục vụ cho xả lũ, bố trí phương tiện, vật tư dự phòng. Đặc biệt lưu ý bố trí đủ máy phát điện dự phòng, đảm bảo công trình xả lũ vận hành bình thường trong mọi điều kiện.

Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện cắt giảm dung tích hoặc không cho trữ nước trong mùa mưa bão đối với các hồ không đảm bảo an toàn…

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dự án để chủ động phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thực cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng tránh…

Theo Chinhphu.vn