Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI từ kinh nghiệm thực tiễn
30/03/2011 09:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ thực tiễn kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, để đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, việc kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH vẫn mang tính chất quyết định.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kết quả đó góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Điều đó khẳng định đất nước ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh của đất nước về mọi mặt được tăng cường; độc lập, chủ quyền và chế độ XHCN được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề cho nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội XI cũng chỉ rõ những hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại hội nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và quyết định.
Từ thực tiễn kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, những vấn đề rút ra để chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI, có thể khái quát ở những điểm chính sau.
Kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong bất kỳ tình huống nào
Đây là vấn đề mấu chốt định hướng cho việc đổi mới toàn diện, đồng bộ với những bước đi thích hợp. Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chủ động xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong xu thế toàn cầu hóa, tất yếu chúng ta phải hội nhập nhưng hội nhập để phát triển, để giữ vững độc lập, tự chủ, không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách thực sự, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm của mọi cấp lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mọi người dân và cả cộng đồng. Xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, pháp luật, trật tự, kỷ cương để bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho mọi người.
Thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững
Có biện pháp tích cực, cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, tăng cường cạnh tranh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là cơ sở bảo đảm cho nền kinh tế nước nhà phát triển nhanh, mạnh, bền vững trước những biến động về kinh tế xã hội ở thế giới và trong nước. Đảng và Nhà nước có chính sách phù hợp để phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để sản xuất, tạo ta nhiều của cải cho xã hội. Phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức đồng thời xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Tăng cường củng cố, hoàn thiện các yếu tố bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế.
Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội
Tăng trưởng kinh tế để xây dựng một xã hội ở đó mọi người dân đều bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh. Tăng trưởng kinh tế bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt với bộ phận người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới hải đảo. Có chính sách giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bằng việc khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương cùng với sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả từ bên ngoài. Bảo đảm tính ổn định xã hội; giảm thiểu tối đa những khó khăn về đời sống của các tầng lớp nhân dân trước những biến động của tình hình. Tiết kiệm và quản lý chặt các khoản chi tiêu, nhất là chi phí công, đẩy lùi các tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu đang là một vấn nạn gây cản trở của sự phát triển và nhiều bức xúc trong nhân dân.
Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa nâng cao trình độ dân chí, xây dựng đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ, lành mạnh. Đẩy lùi sự du nhập “văn hóa lai căng”, phản văn hóa làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của các tầng lớp nhân dân nhất là đối với tuổi trẻ.
Củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc trong mọi tình huống. Mở rộng quan hệ đối ngoại thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.
Đặc biệt chăm lo củng cố xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài học Đảng ta rút ra, áp dụng cho mọi thời kỳ là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là sự đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ cụ thể, điều kiện cụ thể. Đảng vững mạnh cả trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là sự kiên định, sáng suốt về đường lối chính trị, lập trường tư tưởng. Sự chặt chẽ, nguyên tắc, kỷ luật của các tổ chức Đảng. Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, phát huy cao độ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, gương mẫu nói đi đôi với làm, có uy tín với nhân dân. Đảng thật sự phát huy dân chủ cùng với giữ vững các nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đảng thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, vì lợi ích đích thực của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, gương mẫu, có sức chiến đấu cao, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Chủ động, sáng tạo, nhạy bén, kiên quyết, bám sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết
Để đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là người có trách nhiệm cao phải có trình độ, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm và thật sự vì Đảng, vì dân.
Làm tốt công tác dự báo, đi sát thực tiễn, nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực; tình hình đất nước, tình hình bộ, ngành, địa phương, đơn vị; tình hình sản xuất đời sống, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Kiên quyết chống mọi biểu hiện, lối làm việc quan liêu, hời hợt, xa thực tế, chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội cao để mọi người cùng hướng tới mục tiêu dân giàu, nước manh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
PGS.TS Trần Quang Nhiếp
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...