Đào tạo nghề cho nông dân: Cần những mô hình thiết thực, hiệu quả
17/02/2011 01:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Chính phủ được cụ thể hóa qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Triển khai đề án, đến nay trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả thiết thực.
Mục tiêu “6 có”
Ông Dương Đức Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) rất khác so với những đề án đào tạo nghề trước đó. Khác không chỉ bởi quy mô đào tạo lớn hơn, kinh phí nhiều hơn mà còn khác ở việc dạy cho người nông dân những nghề mà họ muốn học có thể đáp ứng nhu cầu làm việc của họ.
Theo đó, dạy nghề nông thôn cần triển khai theo mục tiêu “6 có”, đó là: có trường dạy nghề; có cơ sở vật chất; có chương trình đào tạo, có giáo viên; có chính sách cho người học và đặc biệt là có nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.
Đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế nhằm gắn kết người lao động với giải quyết việc làm.
Sau một thời gian phối hợp với Tổng cục Dạy nghề thực hiện đào tạo nghề cho nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA (Hội Làm vườn Việt Nam) đã tổng kết được rất nhiều bài học, trong đó, bài học sáng giá nhất là mở lớp học ngay trên đồng ruộng, đào tạo nghề theo yêu cầu của người dân và các địa phương.
Thực hiện chương trình này Trung tâm chuẩn bị rất công phu việc khảo sát để mở lớp học, nhất là khâu khảo sát nhu cầu học nghề và chọn đối tượng đi học. Mỗi khoá học 3 tháng, giáo viên đến ở tại địa phương và cùng bà con ra đồng.
Để đảm bảo 80% học viên sau đào tạo nghề có việc làm, ngay từ khâu tuyển sinh phải khảo sát kỹ, phải chọn người đang sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu học nghề. Chính vì làm tốt công tác này nên tại các lớp dạy nghề thí điểm của Trung tâm năm 2009, có tới trên 90% học viên sau học nghề có việc làm, riêng hội viên của Hội Làm vườn có tới gần 100% người đi học đã làm đúng nghề.
Tại Hà Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã liên kết với 3 công ty may tổ chức dạy nghề may cho hàng trăm lao động nữ, giúp họ có thu nhập ổn định. Các mô hình dạy nghề mới, nghề truyền thống được phát triển rộng khắp trên địa bàn như mô hình dạy nghề thêu ở thôn Thụy Sơn, xã Tân Sơn (Kim Bảng) có 30 học viên theo học; đan chiếu trúc tại xã Thanh Tuyền (Thanh Liêm), Nhật Tân (Kim Bảng), Tiên Nội (Duy Tiên)... thu hút 300 phụ nữ tham gia.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm còn tổ chức các lớp dạy nghề lưu động về kỹ thuật trồng trọt cho nông dân, hỗ trợ các công cụ gieo sạ thẳng hàng cho các địa phương, hướng dẫn chị em phương pháp gieo sạ thẳng hàng...
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm làng nghề mới, Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc đã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở 3 địa phương là Hà Nội, Đồng Nai và Nam Định.
Ông Nguyễn Tấn Thỉnh, Giám đốc Công ty cho biết, tiêu chí của chương trình là sau khi đào tạo, 80% lao động trở lên sẽ có việc làm. Đối với bà con nông dân, ngoài học miễn phí còn được doanh nghiệp hỗ trợ 600.000 - 800.000 đồng/người/tháng cho một khóa học 3 tháng. Sang tháng thứ 3, doanh nghiệp khoán sản phẩm hoặc lương thỏa thuận để bà con tham gia đến hết khóa học.
Xây dựng mô hình
Theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2010 cả nước có 22 đơn vị đăng ký tham gia đào tạo nghề với 118 lớp, cho 2.610 học viên trên 10 tỉnh, thành phố. Năm 2011, Hiệp hội đề xuất mở 638 lớp học với khoảng 12.000 học viên ở 20 tỉnh, thành phố, tập trung vào các ngành nghề gốm sứ, mây tre đan, đúc đồng, điêu khắc gỗ, thêu ren, chổi chít xuất khẩu, trồng dược liệu... Cái khó hiện nay là phải thu hút được tối thiểu 20 người/lớp; đào tạo xong, 80% lao động trở lên có việc làm. Chính vì vậy, các mô hình đào tạo phải hết sức thiết thực, đảm bảo việc làm thường xuyên và đầu ra cho người lao động.
Về định hướng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết năm 2011, Chính phủ phân bổ 1.000 tỷ đồng cho công tác này. Do đó, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các lớp dạy nghề, Bộ sẽ tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp theo Đề án thí điểm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện tại Thanh Hoá, Bến Tre.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ trực tiếp tổ chức các lớp dạy nghề mẫu ở các địa phương được chỉ đạo điểm (11 xã được Ban Bí thư chọn làm điểm mô hình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã tổ chức 3-5 lớp.
5 huyện được Trung ương chọn chỉ đạo điểm triển khai Quyết định 800 về xây dựng nông thôn mới và Phổ Yên (Thái Nguyên) được Trung ương chọn làm huyện điểm triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác, mỗi huyện tổ chức 10-15 lớp. Mỗi tỉnh có huyện nghèo theo chương trình Nghị quyết 30a được chọn 1 huyện để triển khai điểm các lớp dạy nghề, mỗi huyện tổ chức 3-5 lớp.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...