Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2011 rất khả quan
09/02/2011 07:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong năm 2011, có 9 mặt hàng nông sản, thủy sản được Bộ Công Thương đưa vào kế hoạch các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2011. Đó là thủy sản, rau quả, nhân điều, cà phê, chè các loại, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su.
Ảnh minh họa
Nhìn lại năm 2010, trong số 18 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của cả nước năm qua, ngành nông nghiệp chiếm tới 6 mặt hàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 3,63 tỷ USD; gạo 3,2 tỷ USD; cao su 2,3 tỷ USD; cà phê 1,76 tỷ USD và hạt điều 1,1 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nếu như năm 2006, nước ta xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD, đến năm 2010 đã đạt tới 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,8% so với năm 2009 và vượt 77,3% so với mục tiêu Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra (tăng bình quân 17%/năm). Kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2011 đưa ra mục tiêu tăng kim ngạch 1,2%.
Đánh giá về sự thành công của ngành nông nghiệp trong năm 2010, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng, “nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước, nhất là những nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đều thuận lợi về thị trường và giá cả .
Ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, theo đó một số loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn, khó tiêu thụ đã được hỗ trợ tạm trữ trong các thời điểm giá thế giới giảm hoặc khối lượng hàng hóa nhiều (cà phê, muối). Đó là yếu tố quan trọng kích thích sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”.
Tiếp tục tăng trưởng trong năm 2011
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011, Việt Nam có khả năng đạt sản lượng gần 40 triệu tấn lúa, tương đương năm 2010, tức có thể dôi ra để xuất khẩu 5,5- 6,1 triệu tấn gạo.
Như vậy, xuất khẩu gạo năm nay có thể thấp hơn khoảng 10-15% so với năm 2010 ( với trên 6,8 triệu tấn), tùy thuộc vào biến động của thời tiết, chính sách an ninh lương thực quốc gia và biến động từ các thị trường nhập khẩu… Đối với mặt hàng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn nhìn nhận đây là nhóm hàng còn khả năng tăng trưởng tiếp trong năm nay. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2011 có thể đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 500 triệu USD so với năm 2010.
Với mặt hàng cà phê, sản xuất cà phê Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê niên vụ 2010/2011 của nước ta ước đạt 548,2 nghìn ha, tăng 1,8% so với niên vụ trước. Sản lượng cà phê ước đạt 1.105,7 nghìn tấn, tăng 4,6%. Bộ dự báo khối lượng xuất khẩu cà phê của năm 2011 của Việt Nam ước đạt hơn 1,28 triệu tấn với kim ngạch hơn 2 tỷ USD (năm 2010 ước đạt 1,17 triệu tấn với kim ngạch 1,763 tỷ USD). Đáng chú ý là những phân tích khả quan về thị trường cao su trong năm nay. Việc giá cao su tăng gần gấp đôi trong năm 2010 đã tạo nên động lực cho việc mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp này ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, năm 2011 sản lượng cao su của Việt Nam có thể tăng khoảng 4%, đạt 780 nghìn tấn do diện tích được mở rộng thêm 5 nghìn ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khối lượng xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam có thể đạt hơn 760 nghìn tấn với giá trị đạt gần 3 tỷ USD (năm 2010 ước đạt 783 nghìn tấn và gần 2,38 tỷ USD). Riêng mặt hàng hồ tiêu được nhận định sẽ tiếp tục có một năm kinh doanh thuận lợi, do nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng cao nhưng khả năng cung ứng hạn hẹp. Việt Nam chiếm tỷ trọng 44,2% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu sẽ tiếp tục giữ vị thế hàng đầu trong các nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn trên thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, năm 2011 sản lượng nông sản này có khả năng đạt và vượt năm 2010. Năng suất tiêu năm nay có thể đạt khoảng 22,5 tạ/ha, tổng sản lượng tiêu của cả nước dự báo đạt khoảng 100 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2010. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm nay ước đạt hơn 115 nghìn tấn, tương đương năm 2010.
Ngoài ra, năm 2011 ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước; 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP...
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...