ĐBSCL sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới

06/02/2011 05:55 AM


Trong 5 năm qua (2006 – 2010), triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầu tư phát triển 3 lĩnh vực đột phá: giao thông, thủy lợi, giáo dục – đào tạo và dạy nghề, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước chuyển về chất, tạo đà cho bước phát triển mới từ năm 2011.

Trong 5 năm qua (2006 – 2010), triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầu tư phát triển 3 lĩnh vực đột phá: giao thông, thủy lợi, giáo dục – đào tạo và dạy nghề, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước chuyển về chất, tạo đà cho bước phát triển mới  từ năm 2011.

Cầu Cần Thơ - công trình giao thông lớn của ĐBSCL - trong ngày thông xe. - Ảnh: VNA

Đã tạo ra thế và lực mới
 

Trên lĩnh vực xây dựng hạ tầng, các tuyến đường bộ quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng như các cầu vượt sông lớn Cần Thơ, Rạch Miếu, Hàm Luông, cầu Bạc Liêu 2 và 6 cầu trên quốc lộ 1A, chuẩn bị khởi công cầu Cổ Chiên, Vàm Cống, hoàn thành đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, khánh thành cầu tàu cảng Cái Cui, tải trọng 20.000 tấn, khởi công cảng Cái Cui giai đoạn 2…

Cùng với đường bộ, đã hoàn thành nâng cấp sân bay quốc tế Cần Thơ, khẩn trương thi công để hoàn thành kịp tiến độ giữa năm 2012 sân bay quốc tế Phú Quốc. Ngoài ra, cảng hàng không Rạch Giá, cảng hàng không Cà Mau cũng được cải tạo nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ.

Về giao thông thủy, dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu thông qua nạo vét cửa Định An và đào kênh Quan Chánh Bố, mở rộng kênh Chợ Gạo đang được khẩn trương thi công… góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của vùng.

ĐBSCL hiện nay được biết đến không chỉ là “vựa lúa, trái cây, thủy sản” mà còn là một trung tâm năng lượng lớn của cả nước với 3 cực: điện lực Ô Môn, Cà Mau và Kiên Lương có tổng công suất khoảng trên 9.000 MW và hàng loạt công trình đang được tích cực thi công như nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh), nhiệt điện Long Phú I (Sóc Trăng), cơ sở hạ tầng cho điện lực Sông Hậu (Hậu Giang), nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang)…

Về mặt đầu tư, nếu như năm 2004, thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL chỉ chiếm 3,5% số dự án cả nước (với 161 dự án) và chiếm 3,09% vốn FDI so cả nước (khoảng 1,31 tỉ USD) thì đến nay số lượng dự án đã tăng hơn 3 lần, chiếm 4,3% số dự án và 4,4% vốn FDI so cả nước.

Riêng trong năm 2010, ĐBSCL thu hút 77 dự án FDI mới (chiếm gần 8% số dự án mới cả nước) với tổng vốn đăng ký hơn 1,683 tỉ USD (chiếm 9,7% vốn thu hút mới cả nước) và 26 dự án bổ sung vốn đầu tư 57,5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư FDI vào vùng này trong năm 2010 đạt hơn 1,74 tỉ USD.

Ngoài điện, đường, đầu tư  khởi sắc, vùng ĐBSCL cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo với hệ thống 13 trường đại học, 2 phân hiệu (Đại học Kiến trúc TP.HCM và Thủy Sản Nha Trang), 26 trường cao đẳng. Ngoài ra, còn có một số trường đang chuẩn bị thành lập như Đại học Quốc tế Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật – Công nghệ, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp, 334 cơ sở dạy nghề, trong đó có 8 trường cao đẳng nghề, 30 trường trung cấp nghề và 127 trung tâm dạy nghề.

Trong vùng đã hình thành các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học liên quan đến sản xuất lúa gạo, như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Đại học Cần Thơ với thế mạnh đặc biệt về đào tạo ngành nông nghiệp, thủy sản.

Thêm nhiều công trình mới

Bước sang giai đoạn mới của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015), vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội vượt qua thách thức, tạo bứt phá thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết, năm 2011, sẽ khởi động dự án cầu Cao Lãnh, Vàm Cống kết nối vào tuyến QL80, xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, từ Kiên Giang, An Giang rút ngắn đi TP Hồ Chí Minh 100km. Năm 2015 sẽ hoàn thành cầu Cổ Chiên... Quý I/2011, sẽ kết thúc cầu Đầm Cùng, khi đó có thể đi từ Lạng Sơn đến Năm Căn (Cà Mau) và cầu Năm Căn nối tuyến Năm Căn đi Đất Mũi dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm 2015...

Theo định hướng phát triển, giai đoạn sau năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ khởi động nhiều dự án lớn như dự án tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường cao tốc TPHCM- Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi (Cà Mau), sân bay quốc tế Phú Quốc... Mục tiêu đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh với cảng biển lớn ngoài khu vực sông Hậu (tỉnh Trà Vinh) để tiếp nhận tàu 60.000 tấn.

ĐBSCL đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế. Ông Kevin Thieneman, Chủ tịch phụ trách Châu Á của Tập đoàn Caterpillar - Hoa Kỳ cho biết, đối với các dự án mời gọi đầu tư tại vùng ĐBSCL, Tập đoàn quan tâm đến hệ thống đường sắt cao tốc, trường dạy nghề... và mong muốn đem những mô hình đã áp dụng thành công ở châu Á để áp dụng tại ĐBSCL. Hy vọng những mô hình này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhận định, phải định vị vị thế vùng ĐBSCL trong bối cảnh khu vực cũng như quốc tế và WB cam kết ủng hộ nguồn lực cho sự phát triển của vùng.

Trong hai thập kỷ qua, vùng ĐBSCL phát triển nhanh và tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Thủy hải sản, lúa gạo phát triển mạnh và vươn xa ra thị trường thế giới. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các khu công nghiệp được thành lập và mở rộng phục vụ cho sự phát triển này. Hệ thống hạ tầng giao thông và giáo dục đào tạo đã đóng góp lớn vào những thành công này và chắc chắn tiếp tục góp phần quan trọng cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới.

Theo Chinhphu.vn