Công tác thanh tra cần luôn chủ động, kịp thời

06/01/2011 08:01 AM


Hoạt động thanh tra phải luôn chủ động, tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH… kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh.

Hoạt động thanh tra phải luôn chủ động, tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH… kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Hôm qua (5/1), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2010 và triển khai công tác thanh tra năm 2011. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác thanh tra tiếp tục chuyển biến tích cực

Trong thời gian qua, ngành Thanh tra đã triển khai nhiều hoạt động thanh tra tương đối đồng bộ, chủ động, kịp thời, có hiệu quả, trong đó đã tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực quan trọng như tài chính, thuế, ngân hàng, cổ phần hoá doanh nghiệp…

Năm 2010, toàn ngành thanh tra đã triển khai trên 102.840 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội…

Qua thanh tra đã phát hiện thiếu sót, sai phạm về kinh tế là 7.815 tỷ đồng, 27.862 ha đất các loại; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 3.576,1 tỷ đồng, 21.693 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính trên 908 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4.246,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 830 tập thể, 2.849 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 62 vụ việc…

Qua hoạt động thanh tra đã góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, đặc biệt thông qua hoạt động hợp tác quốc tế đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu đầy đủ hơn về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và thiện chí hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. 

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra

Trong năm 2011 và 5 năm tới, ngành thanh tra xác định một số mục tiêu chính, trong đó mục tiêu trước tiên là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; tập trung thanh tra trách nhiệm việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với thanh tra các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính công…

Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; tăng cường phối hợp thanh tra các cấp để quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, coi trọng nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác thanh tra.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, ngành thanh tra khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.

Đi đôi với đó là việc tổ chức tốt cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với thanh tra Bộ, ngành, giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan chức năng khác để điều chỉnh, tránh sự chồng chéo trong hoạt động…

Xây dựng cán bộ tận tụy, gương mẫu
 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao những kết quả của ngành thanh tra; cho rằng việc đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của ngành đã đáp ứng được yêu cầu vừa tập trung xử lý được những vấn đề trước mắt, vừa giải quyết được những vấn đề cơ bản, lâu dài của ngành thanh tra.

Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, ngành cần nắm vững nguyên tắc hoạt động thanh tra phải luôn mang tính chủ động, tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, những mục tiêu chủ yếu, những chương trình lớn… qua đó xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm để đề xuất kế hoạch thanh tra cho phù hợp.

Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa nữa vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thanh tra, đặc biệt tập trung vào một số địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, hơn bất cứ ngành nào, ngành thanh tra cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu quả; tăng cường phối hợp trong hệ thống thanh tra và các cơ quan chức năng liên quan; chú ý bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý, đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Chinhphu.vn