Ngành Tòa án xác định 10 nhiệm vụ chủ yếu năm 2011
06/01/2011 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2011, ngành Tòa án tiếp tục tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc, tăng cường công tác xét xử lưu động...
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự và phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN
Ngày 5/1, tại Hà Nội, ngành Tòa án đã tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2011. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả công tác xét xử chính là uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 và những năm tiếp theo của ngành là tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cán bộ, thẩm phán.
Ngành Tòa án cần tạo bước đột phá trong công tác tuyển dụng cán bộ, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trong nước và ngoài nước để nâng cao chất lượng cán bộ trong ngành. Đặc biệt, ngành phải tham gia tích cực hơn nữa vào công tác cải cách tư pháp; thúc đẩy lộ trình thực hiện cải cách tư pháp chặt chẽ theo tinh thần Nghị quyết số 49 -NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ nguyên nhân chính của những hạn chế, yếu kém, mà chủ yếu và trước hết là nguyên nhân chủ quan, đòi hỏi sự giám sát ngày càng chặt chẽ thông qua hoạt động của chi bộ cơ sở và công tác thanh tra, kiểm tra.
Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án chú trọng nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại tòa; giảm tới mức thấp nhất số lượng vụ án bị hủy, sửa. Đặc biệt, ngành phải hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt hiện tượng tiêu cực trong xét xử.
Chủ tịch nước chúc ngành Tòa án tiếp tục vững bước vào năm 2011 với niềm tin vào những thắng lợi to lớn hơn.
Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác năm 2010, ngành Tòa án đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2011. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa; tiếp tục tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc; tăng cường công tác xét xử lưu động; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp...
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ Tòa án các cấp; thực hiện ngay các giải pháp về tổ chức cán bộ để từng bước đảm bảo tuyển dụng và tuyển chọn đủ cán bộ, thẩm phán. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, trong đó tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện các đề án theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Ngành xác định trọng điểm đầu tư trụ sở làm việc của Tòa án nhân dân các cấp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động và có tính đến việc đổi mới mô hình tổ chức Tòa án các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020".
Năm 2010, toàn ngành đã giải quyết được 91,4% số vụ án đã thụ lý; án tồn đọng chủ yếu là án mới thụ lý và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong công tác tổ chức cán bộ, Tòa án nhân dân các cấp đã tuyển dụng mới trên 900 cán bộ, công chức; số lượng thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu là 523 người, bổ nhiệm lại là 1.053 người...
Đặc biệt, Tòa án nhân dân tối cao đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...