Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: 5 giải pháp cơ bản để thi đua trở thành động lực lớn hơn của toàn dân tộc

28/12/2010 07:27 AM


Để phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn hơn của toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ 5 giải pháp cơ bản.

Để phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn hơn của toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ 5 giải pháp cơ bản.

 

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát  biểu tại Đại hộiThi đua yêu nước - Ảnh: Chinhphu.vn

Có thể nói, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) và công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) trong phạm vi cả nước đã có bước tiến bộ rõ rệt.

Giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020).

Do đó mục tiêu của phong trào TĐYN chính là tiếp tục phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn của toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nội dung, tiêu chí, hình thức đổi mới

Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ VIII khai mạc hôm nay 27/12 tại Hà Nội, thay mặt Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, trong những năm qua, phong trào TĐYN đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có nhiều sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm và tình hình thực tế của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, khơi dậy được tiềm năng, tính tích cực, sang tạo của mọi người, mọi tổ chức, thu được nhiều kết quả thiết thực.

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sỹ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực và sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 10 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng.  

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của phong trào TĐYN nhất là những hạn chế về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan. Việc tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; sự phối hợp, liên kết của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ; việc phát hiện, biểu dương tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến còn hạn chế.

Triển khai 5 giải pháp cơ bản

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị công tác TĐKT trong 5 năm tới phải phấn đấu theo mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong Báo cáo tại Đại hội, đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh tới 5 giải pháp cơ bản.

Trước hết, phải tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua để đạt tới sự giải phóng và phát triển con người, giải phóng, phát triển xã hội… Tập hợp vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện, biến đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong thực tiễn, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể nhân dân, của cả hệ thống chính trị để tạo thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, làm cho chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua không ngừng phát triển lên tầm cao mới.

Bên cạnh đó, phong trào TĐYN cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, nhân rộng những mô hình, giải pháp hay đã được đúc kết tại Đại hội này… Gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi, sống có văn hoá và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính… Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Giải pháp thứ ba là quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Đồng thời để công tác TĐKT không ngừng được nâng cao hiệu quả, các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua - khen thưởng. Chuẩn bị tích cực cho việc trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng, đồng thời tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua - khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn...

Cuối cùng, để thi đua yêu nước không ngừng phát triển, điều quan trọng là phải tập trung sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và toàn diện của các cấp uỷ đảng.

Kiều Liên – Nhật Bắc

Tin, bài liên quan:

Ngày hội lớn của phong trào thi đua yêu nước

1.500 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 8

Theo Chinhphu.vn