Quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của khu vực Đông Nam Bộ

28/12/2010 07:23 AM


Đông Nam Bộ là khu vực thứ 7 và cũng là vùng cuối cùng của cả nước được Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, khảo sát và góp ý trực tiếp vào Đề án quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.

Đông Nam Bộ là khu vực thứ 7 và cũng là vùng cuối cùng của cả nước được Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, khảo sát và góp ý trực tiếp vào Đề án quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.

Ngày 27/12, tại Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã chủ trì Hội nghị quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của khu vực Đông Nam Bộ.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Như vậy, sau 4 tháng, giai đoạn khảo sát, đánh giá và góp ý cho Đề án quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành trên toàn quốc đã hoàn thành.

Lao động đã qua đào tạo còn hạn chế
 

Là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp đóng góp 2/3 tổng thu ngân sách hàng năm của cả nước, Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Diện tích tự nhiên 23.605 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước, dân số tại thời điểm 1/4/2009 là 14.025.387 người, tương đương 16,34% dân số cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Các khu công nghiệp của vùng thu hút 66,4% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 72% số dự án, 75% vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp của cả nước. So sánh với các vùng khác, Đông Nam Bộ vượt trội trong nhiều chỉ tiêu cơ bản, đáng chú ý GDP bình quân đầu người năm 2010 dự kiến là 50,7 triệu đồng/người.

Khu vực Đông Nam Bộ có tỷ trọng lao động đã qua đào tạo đạt 19,4%. Trong đó, trình độ sơ cấp là 4,7%, trung cấp là 4,6%, cao đẳng là 1,9%, đại học và trên đại học 8,1%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến tháng 10/2010, toàn vùng Đông Nam Bộ có 42 trường đại học, 37 trường cao đẳng và 57 trường trung cấp chuyên nghiệp. Quy mô sinh viên đại học, cao đẳng đạt 473.094 người chiếm 28,54% cả nước.

Điểm đáng lưu ý về cơ cấu quy hoạch đào tạo là trong khi ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, pháp luật thu hút tới 107.614 sinh viên, đạt tỷ lệ 38,2%, thì chỉ có 8.300 sinh viên theo nhóm ngành y dược, chiếm 2,9%.

Phối hợp trong đào tạo đại học, đẩy mạnh đào tạo nghề

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. - Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thống nhất đánh giá, các doanh nghiệp trong nước đóng trên toàn khu vực Đông Nam Bộ vẫn chưa chủ động gắn kết với các cơ sở đào tạo, còn giữ tư duy “khoán trắng” nhiệm vụ đào tạo cho các nhà trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đứng chân tại đây lại chủ động hỗ trợ đào tạo và cung cấp nhu cầu đào tạo với các cơ sở giáo dục.

“Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầy đủ hơn nữa, phải là người trong cuộc, gắn nhu cầu nhân lực của mình với công tác đào tạo tại các trường nghề, trường đại học. Đó chính là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp mạnh trên thế giới”, TS. Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh tới công tác sắp xếp, quy hoạch hệ thống các trường đại học trong khu vực Đông Nam Bộ, trong đó sự phối hợp liên vùng giữa các tỉnh, thành phố được đánh giá là nhiệm vụ trọng tâm. Đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 13 trường đại học và 22 trường cao đẳng và đặc biệt, cần tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm quốc gia.

Đồng thời, phát huy thế mạnh của khoảng 200 đơn vị hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn, gắn tổ chức áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ không chỉ trong phạm vi vùng mà còn cho các vùng lân cận.

6 tỉnh Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động bằng nhiều hình thức để đến năm 2015 có trên 65% và đến năm 2020 có trên 75% lao động được đào tạo nghề; trong đó có khoảng 70-80% là công nhân kỹ thuật. Chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao để cung cấp nguồn nhân lực cho vùng và các vùng khác.

Cần bám sát Đề án của Chính phủ

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trong đào tạo và sử dụng nhân lực, các tỉnh Đông Nam Bộ cần chủ động phối hợp giữa người sử dụng lao động, người đi học, nhà trường và nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 1/2011, các địa phương hoàn thiện các báo cáo về Đề án quy hoạch nhân lực, sau đó báo cáo đầy đủ với lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy và Thường trực UBND các tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng lưu ý cần bám sát tiến độ phê duyệt Đề án của Chính phủ và chỉ ban hành Đề án Quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương mình trên cơ sở Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của cả nước được Chính phủ chính thức phê duyệt.

Riêng với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Phó Thủ tướng góp ý, cần xác định đào tạo nhân lực cũng chính là một động lực lớn để kinh tế phát triển. Phó Thủ tướng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cần chuẩn bị Đề án quy hoạch nhân lực chất lượng và chu đáo hơn nữa, các số liệu tổng hợp phải được khảo sát và thẩm định nghiêm túc. Đề án phải khẳng định vai trò đầu mối của Sở trong kế hoạch nhân lực cho TP.

Ngoài những giải pháp căn bản được thống nhất trong quy hoạch nhân lực, UBND TP. Hồ Chí Minh cần sớm thành lập Phòng Quy hoạch nhân lực đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ động điều tiết nguồn nhân lực cho địa phương mình.

Theo Chinhphu.vn