Các tỉnh ĐBSCL hoàn thiện báo cáo quy hoạch nhân lực trước 15/12

06/12/2010 07:18 AM


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 13 tỉnh thành ĐBSCL chuẩn bị kỹ báo cáo về quy hoạch nhân lực, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 15/12 để báo cáo Chính phủ trước tháng 1/2011.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 13 tỉnh thành ĐBSCL chuẩn bị kỹ báo cáo về quy hoạch nhân lực, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 15/12 để báo cáo Chính phủ trước tháng 1/2011.

Tiếp tục chương trình khảo sát, đánh giá và lập quy hoạch nguồn nhân lực cho các Bộ, ngành và địa phương cả nước, ngày 4/12, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 của 13 tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam bộ, bao gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Khâu then chốt là hệ thống đào tạo

Khu vực rộng 36.000 km2 này hiện có 17,1 triệu dân, số dân trên 15 tuổi chiếm 75,6%. Trong số đó, có 9,66 triệu người làm việc tại khu vực kinh tế, 2,96 triệu người làm việc tại khu vực phi kinh tế và gần 360.000 người thất nghiệp.

ĐBSCL vẫn là một trong những “vùng lõm” của cả nước về tỷ lệ nguồn nhân lực đã qua đào tạo và đây là thách thức lớn của toàn vùng trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 34% lao động của vùng chưa qua bậc học tiểu học, lao động có bằng sơ cấp chiếm 1,4%, trung cấp chiếm 2,2%, cao đẳng chiếm 0,9%, và đại học chiếm 2,1%, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp đại học của cả nước là 10%.

Hệ thống đào tạo của khu vực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu trong vùng  và đây được đánh giá là khâu then chốt để giải bài toán nhân lực. Hiện nguồn nhân lực chất lượng chủ yếu được đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh.

Cơ cấu nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng và có những mất cân đối khá lớn. Số sinh viên theo học những ngành nông lâm trong các trường đại học của vựa lúa, vựa tôm cá lớn nhất cả nước này vẫn không vượt quá 10%, trong khi việc dạy nghề kiểu truyền miệng manh mún, không giáo trình vẫn là một thực tế khá phổ biến.

 

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng vấn đề then chốt để giải bài toán nhân lực cho vùng ĐBSCL là hệ thống đào tạo. - Ảnh: Chinhphu.vn

Rà soát quy hoạch, đầu tư cho các trường đại học

Bàn về các giải pháp liên vùng về phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần tập trung xây dựng thêm một số trường đại học như Kiến trúc, Luật, Văn hóa, Kỹ thuật-công nghệ và Bách khoa.

Bên cạnh việc xây mới, cần nâng cấp trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh, Cao đẳng Xây dựng Miền Tây thành đại học. Mở rộng liên kết giữa các trường đại học của khu vực với các trường đại học lớn tại TP. Hồ Chí Minh cũng là một hướng đi cần được lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL quan tâm.

Đánh giá về những báo cáo của 13 địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh, thành cần rà soát lại các số liệu báo cáo chính xác, sát thực tế hơn và có thể tham khảo thêm báo cáo khá chi tiết của tỉnh An Giang.

Các địa phương cũng cần chủ động đối chiếu với bộ chỉ số năng lực và sáng tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tự cân đối và điều chỉnh sao cho phù hợp và đúng mục tiêu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, tham khảo ý kiến với 13 tỉnh thành ĐBSCL rà soát toàn bộ về quy hoạch và đầu tư cho các trường đại học trên địa bàn.

Phó Thủ tướng đề nghị 13 tỉnh thành tiếp tục rà soát kỹ, chuẩn bị báo cáo về quy hoạch nhân lực gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 15/12 để báo cáo Chính phủ trước tháng 1/2011.

Theo Chinhphu.vn