Hoạt động của Quốc hội tiếp tục đổi mới, chất vấn và trả lời chất vấn thành công

25/11/2010 07:44 AM


Trong những ngày qua, nhất là tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp Quốc hội diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Bên cạnh những mặt được và những mặt còn phải khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp, nét nổi bật dễ nhận thấy là kỳ họp Quốc hội này tiếp tục đổi mới, chất vấn và trả lời chất vấn thành công tốt đẹp, chất lượng tốt.

Trong những ngày qua, nhất là tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp Quốc hội diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Bên cạnh những mặt được và những mặt còn phải khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp, nét nổi bật dễ nhận thấy là kỳ họp Quốc hội này tiếp tục đổi mới, chất vấn và trả lời chất vấn thành công tốt đẹp, chất lượng tốt.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội kết thúc sáng 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét như vậy.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: Chinhphu.vn

Cổng TTĐT Chính phủ thuật lại phát biểu kết luận phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Các tiêu đề do Báo điện tử Chính phủ đặt.

"Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp này đã có 26 chất vấn bằng văn bản. Hôm nay, tại Hội trường đã có 19 vị đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp, nhưng do thời gian nên còn 10 vị đại biểu chưa có điều kiện để chất vấn Thủ tướng được. Trong 9 vị đại biểu đã chất vấn trực tiếp, có vị nêu vài ba vấn đề và đã được Thủ tướng trả lời. Chúng ta thấy trong mấy ngày hôm nay mặc dù công việc rất nhiều, kể cả hôm thảo luận về kinh tế - xã hội, với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, chân thành và trân trọng các vị đại biểu Quốc hội và Quốc hội, đồng chí Thủ tướng cũng như các đồng chí Phó Thủ tướng đều có mặt tham dự cả phiên thảo luận về kinh tế - xã hội 2 ngày hôm 1, 2/11 và phiên chất vấn từ hôm kia cho đến hôm nay. Điều đó thể hiện một tinh thần rất cầu thị và như Thủ tướng vừa nói.

Trong những vấn đề nêu ra cũng có thể có điều đã trả lời được tốt, được đại biểu hài lòng, nhưng vẫn có thể có điều vì thời gian hoặc vì những vấn đề cụ thể chắc các thành viên Chính phủ cũng chưa nắm được thật chi tiết để trả lời được đầy đủ, cũng mong các vị đại biểu Quốc hội thông cảm. Có những vấn đề nếu cần tiếp tục trao đổi thì trong không khí giữa Thủ tướng với các vị đại biểu Quốc hội cũng rất chân tình, đồng chí, anh em, tôi đề nghị chúng ta có thể tiếp tục trao đổi riêng trực tiếp thì mới làm rõ thêm, tôi cho như vậy là rất tốt.

Bây giờ tôi xin phép được gom lại toàn bộ phiên chất vấn của chúng ta, đương nhiên đây không phải ý kiến chính thức đã được đánh giá một cách đầy đủ mà chỉ là những cảm nhận bước đầu chúng tôi có trao đổi sơ bộ hoặc lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội, của dư luận, của cử tri, của nhân dân ta.

Một kỳ chất vấn tiếp tục đổi mới, cải tiến

Như vậy chúng ta đã trải qua 2,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Có thể nói đây cũng là một kỳ họp, một kỳ chất vấn do nhiều lý do khác nhau được các vị đại biểu Quốc hội, được cử tri và dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, một kỳ chất vấn tiếp tục có những đổi mới, cải tiến và đã đạt được kết quả thiết thực, có chất lượng tốt. Vì sao lại nói như vậy, chúng ta phải tìm ở quy mô, ở nội dung, ở số lượng chất vấn, ở không khí chất vấn và những gì đã đạt được và còn những gì là hạn chế để sắp tới chúng ta tiếp tục cải tiến, rút kinh nghiệm làm phiên chất vấn ngày càng tốt hơn nữa theo đúng quy định của pháp luật và cũng phù hợp với mong muốn, nguyện vọng chung của chúng ta.

Với 96,3% số đại biểu Quốc hội tham dự và với hầu hết các vị thành viên của Chính phủ dù là đại biểu Quốc hội hay không là đại biểu Quốc hội đều có mặt trong mấy ngày vừa qua, với sự tham gia của rất đông đảo các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các vị khách quý, với sự quan tâm theo dõi của đồng bào, cử tri, của nhân dân thì chúng ta thấy sức cuốn hút, hấp dẫn của phiên chất vấn lần này. Cùng với 1.643 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này thì cho đến chiều hôm qua đã có 234 chất vấn bằng văn bản gửi đến các vị có liên quan của 94 đại biểu ở 44 Đoàn đại biểu Quốc hội và cũng cho đến chiều hôm qua thì đã có 164 văn bản đã được trả lời, chiếm 70,1% tổng số chất vấn bằng văn bản. 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Chinphu.vn

Tại Hội trường, qua 5 buổi chất vấn đã có 104 lượt đại biểu đăng ký và đã có 66 đại biểu được chất vấn, trao đổi, tham gia thảo luận, giải trình làm rõ hơn, đã nói lên tính chất nghiêm túc của kỳ chất vấn lần này. Vậy câu hỏi đặt ra lần này có gì cải tiến so với trước, có gì mới hơn, phải chờ sau kỳ họp các vị đại biểu Quốc hội các đoàn đại biểu cần tổng kết, rút kinh nghiệm, góp ý kiến thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ tiếp thu và có đánh giá chính thức. Như trên tôi đã nói, đây mới là đánh giá rất sơ bộ, có thể chưa thật chính xác nhưng cũng cần nêu lên.

Lần này có bước tiến hơn so với trước là các câu hỏi của các vị đại biểu được gửi đến sớm. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp cho Đoàn thư ký, Ban công tác đại biểu tổng hợp, kịp thời gửi bằng văn bản đến những thành viên Chính phủ được trả lời chất vấn để trả lời cho các vị đại biểu Quốc hội. Chính vì thế mới đạt được đến hơn 70%, có điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân loại, tổng hợp, nhóm vấn đề, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng văn bản rồi thông báo lại cho các thành viên được trả lời chất vấn, sau đó có điều kiện báo cáo lại với các vị đại biểu Quốc hội quyết định chính thức.

Lần này so với trước là chúng ta gửi trước được 5 ngày, cho nên các vị đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu, suy nghĩ, chuẩn bị chất vấn những câu hỏi đích đáng và các vị được trả lời chất vấn cũng có điều kiện để chuẩn bị trả lời. Bởi vì có những vấn đề cũng đòi hỏi phải nghiên cứu, phải nắm vững luật, xem chỉ thị, nghị quyết nào, các con số, thế mà còn có những trường hợp còn đang vênh nhau chưa chuẩn xác. Cho nên có phải đây là một vấn đề mà chúng ta sắp tới cần tiếp tục thực hiện không, một kinh nghiệm tốt.

Điểm thứ hai, chúng tôi theo dõi lần này cũng chính do chuẩn bị tốt, cho nên các nhóm vấn đề chúng ta nêu ra khá tập trung, chọn những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết, những vấn đề nóng hổi bức xúc được dư luận xã hội quan tâm và từ đó các vị đại biểu Quốc hội và các vị được trả lời đã chuẩn bị khá kỹ.

Chúng tôi cảm thấy là các đồng chí nêu câu hỏi cũng như là trả lời lần này chuẩn bị nghiên cứu khá kỹ, khá sâu, có lý lẽ để mà thuyết phục lẫn nhau và có sự tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm vấn đề của các thành viên Chính phủ không được trực tiếp trả lời chất vấn cũng là nét mới, so với trước đây chỉ có một số Bộ trưởng trả lời. Những phát biểu như thế, trao đi đổi lại cung cấp thông tin như thế rất là quan trọng.  

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi chất vấn - Ảnh: Chinhphu.vn

Điểm thứ ba, chúng tôi cảm thấy lần này Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị, ý kiến của các cử tri, có điều kiện làm kỹ hơn, bài bản hơn, có chất lượng cao hơn. Lần này thực sự đã mang ý nghĩa giám sát, cũng có tranh luận, cũng có tìm hiểu, kiểm tra kỹ và có kiến nghị sắp tới phải giải quyết thế nào, rất đúng chức năng của Quốc hội.

Điểm thứ tư, việc chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề ngày càng thể hiện rõ hơn, tập trung hơn, dễ trao đổi thảo luận hơn. Đối với Bộ trưởng trả lời 3 nhóm vấn đề nhưng trong thực tế diễn ra trên Hội trường có trường hợp chỉ tập trung vào một vấn đề. Vấn đề Vinashin là vấn đề rất nổi bật, không phải chỉ đối với một Bộ trưởng, mà đến nhiều Bộ trưởng, đến Phó Thủ tướng, đến Thủ tướng. Vấn đề bauxite bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố ở Hungary, vấn đề thủy điện miền Trung, thiếu điện, quy hoạch điện, phân phối điện, giá điện v.v.. rất tập trung. Vấn đề điều hành giá cả, xuất nhập khẩu, vấn đề nhập siêu, bội chi ngân sách, giá cả liên tục biến đổi, vàng , đô la như các đồng chí nói là nhảy múa thì tập trung vào một số nội dung mà chúng ta có điều kiện đi được đến cùng, tôi không nói là truy đến cùng mà tôi nói là đi đến cùng. Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, đến thảo luận kinh tế - xã hội 2 ngày tại hội trường cũng truyền hình và phát thanh trực tiếp, công bố công khai, đến chất vấn tại Hội trường, những vấn đề đó tiếp tục được trở đi trở lại.

Lần này một nét nổi bật nữa cho đến tận bây giờ tất cả các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu ở đây cũng như mong muốn chúng ta không chỉ dừng lại ở miêu tả tình hình mà là nói thực trạng. Quan trọng là phân tích nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan, mổ xẻ rất sâu sắc vấn đề từ nhiều góc cạnh, nhiều cấp độ, từ đó đề ra những giải pháp. Có những đại biểu Quốc hội không phải chỉ chất vấn mà kiến nghị những giải pháp, kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng sắp tới nên làm những gì. Tôi cho việc đó là rất tốt. Một điểm quan trọng nữa là trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý như thế nào. Tiếng nói lần này trong nghị trường rất rõ vấn đề đó chứ không phải chỉ nói chung chung và cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng giám sát của Quốc hội.

Một điểm nữa, qua hỏi và trao đổi, chúng tôi nhận thấy đều có lý lẽ, có căn cứ, các Bộ trưởng trả lời nắm khá chắc vấn đề, các đại biểu Quốc hội hỏi do có chuẩn bị nghiên cứu kỹ cho nên nêu những vấn đề rất xác đáng. Chúng ta trao đổi với nhau có lý lẽ, có thực tiễn. Mỗi một Bộ trưởng trước khi trả lời chất vấn đều có báo cáo những vấn đề đã nêu ra và kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp trước gửi đến các vị, đã được thực hiện như thế nào một cách ngắn gọn. Đó cũng là một bước làm mới mà như hôm trước chúng tôi nói là một phong cách làm việc mới.

Một điểm nữa là chúng ta sắp xếp bố trí chương trình như vừa rồi là tương đối hợp lý, phân bổ thời gian tùy theo nội dung trật tự trước sau, bổ sung cho nhau, đây cũng là điều mà chúng ta có thể rút được kinh nghiệm tốt. Số lượng đại biểu hỏi được nhiều hơn, số lượng các vị Bộ trưởng trả lời ít hơn, nhưng lại có sự tham gia nhiều hơn của các thành viên Chính phủ là vì theo nhóm vấn đề. Trước kia có khi 6, 7, 8 vị trả lời mà thời gian chỉ được khoảng 90 phút, 120 phút bây giờ là cả một buổi 180 phút, 150 phút, có điều kiện thì chúng ta nói sâu hơn. Báo chí với việc phát thanh truyền hình trực tiếp công khai, có tác dụng rất tốt, một kênh nối Quốc hội với cử tri, với nhân dân tạo ra một bầu không khí dân chủ trong xã hội và đưa tin một cách khách quan, giúp cho cán bộ đảng viên, nhân dân, cử tri cả nước hiểu được đầy đủ toàn diện các vấn đề, Quốc hội chúng ta hoạt động như thế nào, gắn Quốc hội với cử tri, với nhân dân, gắn Chính phủ, các cơ quan Nhà nước với cử tri, với nhân dân. Đây là một kênh rất quan trọng. Có phải chăng đấy là những nét tiếp tục đổi mới, cải tiến, đương nhiên một bước thôi, không phải tất cả đã tốt, còn nhiều việc chúng ta phải cải tiến.  

 

Đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phiên chất vấn thành công tốt đẹp

Qua theo dõi chúng tôi thấy cái được lớn nhất, chung nhất, có tác dụng thiết thực nhất là thông qua việc hỏi và trả lời, trao đổi, thảo luận, tranh luận với sự tham gia của nhiều thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã tiếp tục làm rõ thêm được nhiều vấn đề, nhất là một số vấn đề lớn, quan trọng, nổi cộm, bức xúc như chủ đề nêu trên chúng ta đã nói. Và nêu ra những tình hình ấy nhưng có phân tích nguyên nhân và có đề ra giải pháp và có yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm.

Các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm chắc chắn qua đây sẽ thấy rõ hơn, đầy đủ hơn thực trạng và tình hình những mặt được, chưa được của mình, nguyên nhân ở đâu và trách nhiệm của mình đến đâu. Tôi tin là dù nói ra hay không nói ra nhưng chắc sẽ thấy được và chí ít gợi ý và biết rằng mong mỏi của nhân dân, của cử tri, của đại biểu Quốc hội, đòi hỏi của Đảng, của nhân dân yêu cầu phải làm như thế nào? Không phải ngẫu nhiên mà tự nhiên một diễn đàn quan trọng như thế này rất nhiều vị đại biểu Quốc hội đưa vấn đề ra. Chúng tôi vẫn nói là có thể người này nói nó mềm mỏng, có thể người này nói gay gắt một chút nhưng đấy là tác phong thôi. Điều quan trọng là nói có đúng hay không, có thuyết phục nhau hay không? Nếu chưa đúng ta trao đi đổi lại, cùng nhau nghĩ tốt hơn, bàn thấu hơn  để làm tốt hơn, đấy là mục đích.

Thông qua việc trao đổi thẳng thắn chân tình trong không khí dân chủ, trách nhiệm, xây dựng và phải nói là không khí rất chân tình xây dựng, dân chủ, thẳng thắn, cũng có khi gay gắt nhưng mà không hề có gì đao to, búa lớn. Qua đây chúng ta thông cảm lẫn nhau, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, chia sẻ với những thuận lợi và khó khăn, vui mừng trước thành tích chung và cũng thông cảm với những khó khăn, những cái còn đang phải làm mà chưa làm được, muốn làm chưa làm được.

Về mặt hạn chế và điều chưa làm được như chúng ta mong muốn, đó là vẫn có những trường hợp chúng ta chất vấn, hỏi chưa rõ vấn đề, hỏi dài, một người hỏi nhiều vấn đề quá, một vấn đề lại nhiều khía cạnh quá làm cho tính tập trung giảm đi và Bộ trưởng cũng rất khó trả lời. Cũng có trường hợp hơi vụn vặn, đi vào tính chất kỹ thuật chưa đúng tầm của Quốc hội.

Đối với trả lời, nói chung như chúng tôi đã nhận xét qua từng phiên một, từng buổi một, có Bộ trưởng trả lời hấp dẫn, có Bộ trưởng trả lời hơi buồn nhưng nhìn chung các thành viên chuẩn bị nghiêm túc, nắm được vấn đề và trả lời cũng cung cấp được nhiều thông tin cho đại biểu Quốc hội. Tôi vẫn nói quan trọng nhất là thấy biện pháp sắp tới là gì và trách nhiệm đến đâu. Cũng có trường hợp nặng về diễn giải, kể lể tình hình, nói thực trạng v.v... Đó chưa phải yêu cầu, vì chúng ta muốn tăng tính đối thoại và trao đổi. Một số trường hợp nhận trách nhiệm, phải nói là nhiều Bộ trưởng nhận trách nhiệm, hôm nay Thủ tướng rất nhiều thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhưng cũng có trường hợp vẫn còn chung chung, chưa đủ cụ thể, đại biểu Quốc hội cũng muốn biết cụ thể trách nhiệm đó là gì. Việc đó hiện nay như Thủ tướng nói là đang làm, đang tiếp tục kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Chúng ta hy vọng, qua kỳ này, công tác chất vấn của Quốc hội sẽ thúc đẩy việc tìm thêm trách nhiệm cụ thể để xử lý cho tốt hơn, cho nghiêm minh, để lấy lại được lòng tin, củng cố, tăng cường lòng tin trong nhân dân.

Sau kỳ chất vấn này, chúng tôi đề nghị các vị thành viên Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả những chương trình, kế hoạch, kể cả những điểm mới mà các vị đại biểu Quốc hội và Quốc hội nêu ra tại kỳ họp này. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, những nội dung nào có điều kiện thì kiên quyết tập trung dứt điểm. Những việc nào còn đang khó, vướng ở chỗ nào, thậm chí cả vướng mắc về luật pháp và cơ chế, chính sách thì cũng sớm đề nghị để chúng ta có thể bổ sung, sửa đổi.

Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội theo dõi giám sát việc thực hiện các giải pháp. Lâu nay ta vẫn nói là những lời hứa, theo cách nói cho dễ hiểu, đã hứa thì phải làm tốt và lần sau lại báo cáo lại trước kỳ họp của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát những vấn đề thuộc nội dung chất vấn của kỳ họp này cũng như việc thực hiện Nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội để sau phiên chất vấn, đó là sự nối tiếp, phát huy những kết quả chất vấn tại hội trường. Chất vấn ở hội trường chỉ là bước đầu, quan trọng là thực tiễn phải có chuyển biến, chuyển động thế nào, chứ không phải xong chuyện ở đây là thôi. Đề nghị nhân dân và cử tri cả nước cùng với các vị đại biểu Quốc hội, chúng ta cùng theo dõi giám sát việc thực hiện này như thế nào.

Ban công tác đại biểu khẩn trương tổng hợp, xây dựng biên bản tóm tắt phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ và 4 vị Bộ trưởng để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan để theo dõi việc thực hiện.  

 

Đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi chất vấn - Ảnh: Chinhphu.vn

Chưa cần thiết lập Ủy ban lâm thời điều tra Vinashin

Có một vấn đề nữa nhân đây xin báo cáo với Quốc hội là hôm thảo luận về kinh tế, xã hội ngày 1/11/2010, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết có phát biểu và sau đó có gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội văn bản đề nghị Quốc hội ngay tại kỳ họp này thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin, sau đó có một vài vị đại biểu Quốc hội cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Đấy là buổi thảo luận về kinh tế - xã hội chứ chưa phải là chất vấn, nên sau khi nhận được văn bản kiến nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, chúng tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét lại tất cả các văn bản pháp luật. Chúng tôi hội ý trao đổi và thống nhất, đã trả lời bằng văn bản đến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết theo đúng quy định của pháp luật. Quy định là trong vòng 30 ngày mới phải trả lời, nhưng sau 9 ngày chúng tôi đã trả lời, trả lời sớm là vì trong nội dung, đại biểu có đề nghị Quốc hội ngay đầu kỳ biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra và đến cuối kỳ họp là có kết luận và có xử lý.

Chúng tôi phân tích thấy rằng, một là hiện nay vụ việc đang được xem xét, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đang hết sức khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, để làm sao nói nôm na là cứu được Vinashin, cơ cấu lại, vực nó lên làm cho nó không bị phá sản như hôm qua Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng báo cáo, sáng nay Thủ tướng báo cáo và Chính phủ có nhiều báo cáo bổ sung. Các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Đảng đang làm. Chúng tôi thấy về bản chất của vấn đề chắc có thể còn có ý kiến chi tiết thế này, thế khác nhưng rõ ràng đây là tình hình không thành công của Vinashin và nhiều đại biểu nói đây là bài học đau xót, đây là bài học rất quí báu để chúng ta củng cố các Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước, cũng như là các doanh nghiệp nói chung. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm đến đâu và xử lý như thế nào? Vậy muốn xác định được trách nhiệm xử lý thì phải có thanh tra, kiểm toán, điều tra những người vi phạm pháp luật để truy tố thực hiện theo đúng qui định của pháp luật và Ủy ban kiểm tra của Đảng đang được Bộ Chính trị giao chủ trì để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Thế thì Quốc hội có nên có một Ủy ban vào nữa không? có khi lại làm rối thêm tình hình, khó làm việc. Vả lại, trong điều kiện thực tế hôm đó đã là mùng 1 tháng 11 mà có lập Ủy ban trong vòng khoảng 20 ngày thì Quốc hội có làm được không? Ai làm?

Đang họp, thảo luận, rồi công việc chuẩn bị tiếp thu, giải trình, sửa chữa văn bản, rất nhiều việc vô cùng bận rộn. Đại hội Đảng các cấp đang tiến hành, lũ lụt miền Trung đang cần tập trung để đối phó, khắc phục; chúng ta lại đang diễn ra một loạt hoạt động về đối ngoại ASEAN trong nước, nước ngoài... Chính vì thế và phù hợp với qui định của pháp luật chúng tôi trả lời là chưa cần thiết phải lập Ủy ban lâm thời với những lý do trong luật có ghi: Khi cần thiết Quốc hội lập, nhưng đọc lại quy chế, để lập được Ủy ban phải tiến hành điều tra, đến lúc báo cáo với Quốc hội ra Nghị quyết phải có thời gian, công phu lắm.

Trước khi kết thúc phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Đức Kiên có phát biểu: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội vào một phiên khác của kỳ họp này". Hôm nay chúng tôi xin thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo công khai với Quốc hội như vậy.

Như vậy, với tất cả những điều đã trình bày ở trên chúng ta có thể khẳng định kỳ chất vấn này của Quốc hội là kỳ thành công tốt đẹp, đạt chất lượng tốt. Hy vọng hậu chất vấn sau đây phải tiếp tục có những bước tiến mới trong chỉ đạo thực hiện, trong xử lý công việc mà Quốc hội đã nêu ra từ đầu kỳ đến nay.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách quý, các vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, cảm ơn sự quan tâm theo dõi rất chí tình và sâu sắc của cử tri, đồng bào nhân dân cả nước đối với phiên chất vấn nói riêng và đối với Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội chúng ta nói chung. Xin phép được kết thúc phiên chất vấn tại đây. Xin trân trọng cảm ơn tất cả”.

Theo Chinhphu.vn