Bộ trưởng Tài chính: Nhiều yếu tố tác động đến giá

24/11/2010 07:38 AM


Hôm qua (23/11), Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội xoay quanh các vấn đề về điều hành giá cả, quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Hôm qua (23/11), Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh  đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội xoay quanh  các vấn đề về điều hành giá cả, quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Mặc dù đã nhận được văn bản trả lời trực tiếp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Bình) tiếp tục chất vấn tại Hội trường vấn đề điều hành giá  và các giải pháp tới đây bởi  trong khi giá thế giới tăng không nhiều, việc giá cả trong nước tăng thời gian qua đã làm giảm ý nghĩa của tăng trưởng.

Lý giải việc tăng giá thời gian gần đây, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là “mức độ hội nhập của chúng ta rất lớn”. Hiện nay giá cả ở nước ngoài cũng tác động tới giá trong nước khi chúng ta đang nhập siêu, chủ yếu là nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ví dụ, giá thị trường thế giới của thép thành phẩm bình quân 10 tháng năm 2010 so với cùng kỳ đã tăng 28,1%, phôi thép tăng 28%, chất dẻo tăng 24%, bông xơ tăng 41,9%, xăng dầu tăng 30%...

Trong nước cũng có nhân tố tác động tới giá như như thiên tai dịch bệnh, nhu cầu sức mua tăng, lãi suất tỷ giá….

Kết luận nguyên nhân của tình trạng tăng giá, Bộ trưởng khẳng định, tác động vào giá là tổng hợp của nhiều yếu tố nên việc kiểm soát điều hành giá theo thị trường nhưng phải theo lộ trình "để làm sao không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân".

Giải pháp là tăng cường quản lý trong những dịp này, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Các địa phương hiện đã thực hiện ứng vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp này. Mặt khác, chính quyền cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hình thành giá, đăng ký và bán theo giá đăng ký trên địa bàn.

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Ảnh Chinhphu.vn

Chia sẻ với Bộ trưởng Tài chính về vấn đề giá cả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm, năm 2010, giá vàng thế giới diễn biến rất bất thường, đặc biệt từ tháng 7 đến nay, đã tác động vào giá vàng trong nước .

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết qua 12 năm kể từ 1998 đến tháng 9/2010, chúng ta nhập khẩu 339,8 tấn vàng và  xuất khẩu 268,8 tấn.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, hoạt động kinh doanh vàng bắt đầu mạnh hơn kể từ năm 2003 và hiện tượng hoạt động mạnh mà có biểu hiện đầu cơ là trong 2 năm 2009 - 2010.

Trước tình hình này, cùng với các giải pháp xử lý tình thế, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để quản lý vấn đề vàng theo hướng đưa vàng trong xã hội tác động nhanh, trực tiếp vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.

Lồng ghép vốn xây dựng nông thôn mới

Với quan điểm cho rằng xây dựng nông thôn mới là quyết sách quan trọng, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) tỏ ra không hài lòng khi năm 2011 nguồn ngân sách bố trí ít, với con số 1.100 tỷ đồng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm đây là chương trình lớn có ý nghĩa, theo Bộ trưởng Vũ văn Ninh, hiện có 11 xã đang được thí điểm và chúng ta không chỉ dùng một nguồn vốn mà lồng ghép nhiều nguồn vốn trên cùng một địa bàn với từng đặc thù.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích, 1.100 tỷ nguồn vốn ngân sách trước hết dùng để xây dựng quy hoạch nông thôn, trên cơ sở quy hoạch đó triển khai các dự án. Quy hoạch xong đến đâu các công trình sẽ triển khai đến đó và trong kế hoạch sẽ triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trước.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết thêm, nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, ngân sách nhà nước chỉ bố trí cho quy hoạch còn nhiệm vụ cụ thể các địa phương phải lồng ghép vào các mục tiêu,  trong đó ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách của địa phương mình.

Năm 2011, điều chỉnh, rút vốn đầu tư vượt quá quy định

 

Đại biểu Phương Hữu Việt - Ảnh Chinhphu.vn

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Tài chính có tham mưu đột phá gì trong lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu lại nguồn lực cho đất nước?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận năm 2009 việc cổ phần hóa không hoàn thành có nguyên nhân do kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, tác động vào thị trường chứng khoán, khiến cho doanh nghiệp cổ phần hóa không thành công do không bán hết cổ phần dự kiến hoặc giá thấp.

Ngoài ra, một số cơ chế chính sách chưa thật sự hoàn thiện như cơ chế xác định đất đai vào giá trị doanh nghiệp còn hạn chế.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, tới đây Bộ Tài chính  tiếp tục triển khai cổ phần hóa. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn về tỷ lệ các doanh nghiệp, tập đoàn được đầu tư ra ngoài ngành, được quy định ở đâu, việc kiểm tra kiểm soát của Bộ Tài chính đối với việc này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Về tỷ lệ đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Nghị định 09 về quản lý tài chính tại các tập đoàn, đầu tư những lĩnh vực không phải sản xuất chính không quá 30%. Đối với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chỉ được đầu tư vào một lĩnh vực mà tổng số vốn góp không vượt qua 20% vốn điều lệ. Đến năm 2011, phải điều chỉnh, phải rút vốn nếu mức đầu tư vượt quá quy định.

“Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các tập đoàn, các tổng công ty báo cáo về việc này để có điều chỉnh và rút vốn để thực hiện đúng quy định của Chính phủ về việc đầu tư ra bên ngoài các ngành sản xuất chính”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Phạm Thị Loan tiếp tục chất vấn về con số 30% nói trên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, 30% là trên tổng tài sản, vì đây không phải là đầu tư ra ngoài, mà là các ngành khác phục vụ cho ngành sản xuất chính.  Đầu tư ra ngoài ở đây với ý nghĩa là ngoài ngành sản xuất chính, chứ không phải ngành ngoài. Còn đối với đầu tư ra ngoài là tài chính, bảo hiểm, dầu khí thì chỉ được tỷ lệ 20%.

Chi cho Đại lễ 218 tỷ đồng

Ngoài ra, một số vấn đề về quỹ bình ổn xăng dầu, vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI, vấn đề kinh phí cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Đại lễ 1000 năm là một  sự kiện lớn. Ban chỉ đạo Nhà nước về đại lễ này đã  lập chương trình tổng thể có phân công nhiệm vụ cụ thể của các Bộ. Chi phí cho Đại lễ được Chính phủ chi thực hiện là 218 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung cho Hà Nội.

Hiện Bộ Tài chính đang yêu cầu TP Hà Nội đôn đốc quyết toán. “Tôi khẳng định không có chín mươi mấy nghìn tỷ đồng chi cho Đại lễ”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nếu cộng cả các dự án đầu tư vào chi phí cho Đại lễ thì không phải, bởi nếu không có Đại lễ thì các dự án này vẫn phải triển khai .

Theo Chinhphu.vn