Thắng lợi của tinh thần tích cực, chủ động
21/11/2010 01:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Kiên trì đường lối đối ngoại vì hoà bình và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, năm 2010, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành hàng loạt hoạt động đối ngoại được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế hoan nghênh.
Trong năm 2010, đất nước ta đã tổ chức nhiều sự kiện lớn: 80 năm thành lập Đảng; 65 năm thành lập nước; 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Đây là động lực tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy nhân dân ta hoàn thành các mục tiêu KT-XH
Công tác đối ngoại đã hoàn thành các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, ngoại giao quốc phòng và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Bối cảnh quốc tế: Thuận lợi và thách thức đan xen
Năm 2010, thế giới được chứng kiến những chuyển động to lớn trên lĩnh vực đối ngoại trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế và trước sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng đã xuất hiện những mảng sáng lớn, tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng một cách vững chắc.
Ở châu Á và trong khu vực ASEAN, sự lớn mạnh cũng như những vấn đề “nóng” của nền kinh tế Trung Quốc; quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản; Trung Quốc với Mỹ và Nga; vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ, của ASEAN trong đó có Việt Nam với các cường quốc kinh tế đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Song song với các mối quan hệ chính trị-kinh tế, thế giới còn có sự chia rẽ trong vấn đề về Afghanistan, Pakistan, Trung Đông và đặc biệt là vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chống đói nghèo, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu vừa có xu hướng nhích các quốc gia lại gần nhau vừa xuất hiện sự nứt rạn từ những mâu thuẫn sẵn có giữa một số nước.
Kết quả Hội nghị Copenhagen về chống biến đổi khí hậu toàn cầu không đạt được mục tiêu như nhiều người mong muốn. Nhiều mục tiêu trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ cũng khó đạt được trong khi thời hạn chót đang đến gần.
Uy tín Việt Nam
Trong bối cảnh đó, kiên trì đường lối đối ngoại vì hoà bình và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, năm 2010, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành hàng loạt hoạt động đối ngoại được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế hoan nghênh.
Trên phạm vi thế giới, sau thành công của nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên diễn đàn LHQ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki- moon trong dịp dự Khóa họp 65 Đại hội đồng LHQ tháng 9/2010 tại New York, Hoa Kỳ. Ảnh: Nguyễn Khang
Diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ lần thứ 65 vừa qua đã có tiếng vang sâu rộng và được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia.
Quan hệ giữa Việt Nam với EU, châu Mỹ Latinh, châu Phi được nâng lên một tầm cao mới với các chuyến thăm hữu nghị song phương của các nguyên thủ và nhiều hiệp định đã ký kết.
Trong năm 2010, Chính phủ đã tổ chức 16 Hội nghị Quốc phòng lớn, quy tụ sự tham gia của nhiều nước cả về thành phần, nội dung làm việc.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (AMMM+) lần thứ nhất với 8 nước đối tác, đối thoại gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia là minh chứng sinh động cho vị thế Việt Nam hôm nay và đường lối đối ngoại tuyệt vời của Đảng, Nhà nước ta.
Lần đầu tiên, hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ thăm chính thức lẫn nhau để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên.
Tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các diễn đàn LHQ, ASEM, WTO, G.20… đã trở thành tiếng nói xây dựng, được đánh giá cao.
Năm 2010 là năm Việt Nam tiến hành hàng loạt các hoạt động ngoại giao văn hoá, ngoại giao nhân dân thông qua Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội; kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Danh nhân Văn hoá, Anh hùng Giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh; kỷ niệm 65 Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm thống nhất đất nước...
Chúng ta cũng kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với LB Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác; kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, nước ta đã tổ chức và điều hành hàng loạt hoạt động của tổ chức này mà đỉnh cao là Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Cấp cao liên quan tại Hà Nội cuối tháng 10, một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Trưởng đoàn các nước ASEAN trong Lễ khai mạc Hội nghị ASEAN 17 ngày 28/10/2010. Ảnh: Chinhphu.vn
Với chủ đề xuyên suốt: “Hướng tới cộng đồng ASEAN - Từ tầm nhìn đến hành động”, chỉ trong 3 ngày làm việc khẩn trương (28,29,30/10) hàng loạt Hội nghị cấp cao được tổ chức, mở ra một cục diện mới cả trong nội bộ ASEAN cũng như quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các đối tác, trong đó nổi bật là sự có mặt của các đối tác LHQ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và lần đầu tiên có mặt hai đối tác Mỹ và Nga.
Sự có mặt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, các vị Tổng thống và Thủ tướng nhiều cường quốc tại Hội nghị cũng như các cuộc thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký LHQ, các Nguyên thủ và Thủ tướng các nước là một trong những thành công lớn của công tác ngoại giao của nước ta trong năm 2010.
Qua các sự kiện ngoại giao đó cũng như các hoạt động ngoại giao trong năm 2010, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc ngày càng thắt chặt và nâng cao.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ hài lòng về việc hai bên đã công bố 3 văn kiện liên quan đến biên giới trên bộ, phân định ranh giới trên vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá giữa hai nước và nhất trí thúc đẩy sớm hoàn thành các văn kiện còn lại liên quan đến hợp tác du lịch tại thác Bản Giốc và tàu thuyền qua lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân.
Hai bên cũng nhất trí thông qua hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các vấn đề tồn tại liên quan đến biển Đông, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực và trên thế giới.
Hai bên cũng nhất trí về việc cần đẩy nhanh đàm phán về thoả thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, giải quyết ổn thoả vấn đề ngư dân và tàu cá phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất với 8 nước đối tác, đối thoại gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia tại Hà Nội ngày 12/10/2010. Ảnh: Chinhphu.vn
Đó còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, hướng vào mục tiêu ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đưa đất nước ta vững bước đi lên trong xu thế hội nhập quốc tế.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...