Luật BHYT: Một năm thực thi, bệnh nhân không còn hờ hững

28/10/2010 07:49 AM


Ông Phạm Lương Sơn,Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam nhận định: “Sau 1 năm triển khai thực hiện, có thể nói luật BHYT đã đi vào cuộc sống”.

Ông Phạm Lương Sơn,Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam nhận định: “Sau 1 năm triển khai thực hiện, có thể nói luật BHYT đã đi vào cuộc sống”.

Luật đã thể hiện tính ổn định, đi đúng lộ trình

Theo ông Sơn, việc “đã đi vào cuộc sống” là thắng lợi lớn nhất của luật BHYT, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công những mục tiêu tiếp theo của BHYT.

Thước đo “đi vào cuộc sống” mà ông Sơn nói được thể hiện ở các khía cạnh khác nhau.

Cụ thể: Luật đã thể hiện tính ổn định và đi đúng lộ trình. Luật đã tạo ra một khung pháp lý đảm bảo những nguyên lý cơ bản của khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, muốn hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân thì việc tham gia BHYT phải là bắt buộc.

Hiện nay, đã có những đối tượng tham gia BHYT bắt buộc như trẻ em, học sinh sinh viên và các đối tượng khác. Tổng số các đối tượng tham gia khám chữa bệnh BHYT đã chiếm tới 62% dân số.

Một thành công khác của luật BHYT là cơ bản đã đảm bảo quyền lợi của người bệnh theo luật định. Người bệnh, nhờ những cải cách về thủ tục hành chính khi triển khai luật BHYT, đã bớt khó khăn rắc rối hơn khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT.

Theo ông Sơn, năm 2010 là năm đầu tiên dự kiến quỹ BHYT sẽ chấm dứt tình trạng thâm hụt nặng nề. Năm 2007, quỹ BHYT vỡ vì không cân đối được nguồn lực. Tình trạng âm quỹ kéo dài liên tiếp đến 2009, mỗi năm âm quỹ gần 2.000 tỷ đồng.

“Nhờ thực hiện luật BHYT theo phương thức khoa học, tính toán một cách cụ thể, chi tiết, cân đối khá chính xác giữa quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia mà tình trạng vỡ quỹ sẽ cơ bản chấm dứt trong năm 2010 này”, ông Sơn nhận định.

Hiện nay, chưa có con số cụ thể về việc quỹ sẽ kết dư bao nhiêu, song ông Sơn khẳng định việc quỹ kết dư cũng chính là việc đem lại quyền lợi tốt hơn cho người tham gia.

“60% số kêt dư sẽ được chuyển lại để hỗ trợ cho các địa phương, phần kết dư còn lại sẽ được dùng để trả dần phần âm trong các năm trước đây”, ông Sơn nói.

Việc quỹ kết dư, theo ông Sơn, là đến từ nhiều nguồn khác nhau chứ không riêng gì từ nguồn tăng phí tham gia BHYT và mức cùng chi trả của người bệnh. Ngoài 2 nguồn trên còn các nguồn khác như: Tiền dôi dư ra do cơ quan BHXH kiểm soát được tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật trong khám chữa bệnh, hạn chế được những trường hợp bác sỹ cấu kết lợi dụng để rút ruột quỹ, …

Kỳ vọng luật BHYT sẽ ngày càng hấp dẫn người bệnh

Song song với những nỗ lực cải cách về thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người bệnh khi đi khám bằng thẻ BHYT, Bộ Y tế cũng như BHXH Việt Nam khẳng định các bên đang kỳ vọng khám chữa bệnh bằng BHYT sẽ ngày càng hấp dẫn người bệnh.

Để thực hiện điều này, trong luật BHYT đã có những điểm mới rất linh hoạt để thu hút sự quan tâm và thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng của người bệnh.

Theo bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế, những điểm mới và thu hút người bệnh của chính sách BHYT là đối tượng của BHYT mở rộng lên 25 nhóm (trước đây là 20 nhóm), Nhà nước sẽ đảm bảo chi phí mua thẻ BHYT cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, 15 triệu HS-SV được đưa vào nhóm BHYT bắt buộc từ năm học 2009-2010.

Về quyền lợi, bà Hương cho rằng mở rộng đáng kể nhất là quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí khám, chẩn đoán sớm một số bệnh (trước mắt thí điểm ở một số bệnh viện T.Ư); chi phí vận chuyển bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công từ tuyến huyện trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển tuyến. Với nạn nhân tai nạn giao thông, quỹ BHYT chi trả chi phí rồi yêu cầu người gây tai nạn bồi hoàn cho quỹ.

Quỹ bảo hiểm sẽ thanh toán 50% chi phí mua thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép không có trong danh mục của Bộ Y tế nhưng được phép lưu hành tại Việt Nam.

Người khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không đăng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng được quỹ bảo hiểm thanh toán theo chi phí thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá mức chi phí bình quân theo tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Chưa hết, người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và có thể để nghị thay đổi nơi khám, chữa bệnh vào đầu mỗi quý, tuy nhiên phải đúng tuyến. Người có BHYT đến khám tại các cơ sở không đăng ký ban đầu những vẫn đúng tuyến sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa trực tiếp.

Với các trường hợp vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn và các trường hợp khác không có trong quy định thì Chính phủ sẽ quy định mức thanh toán chi phí.

Mặt khác, nếu khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ người bệnh BHYT hưởng quyền lợi như ngày thường. Đặc biệt nếu khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, quỹ BHYT sẽ vẫn thanh toán các mức 30% (cho bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt), 40% cho bệnh viện hạng 2 và 50% cho bệnh viện hạng 3.

Theo Tạp chí BHXH