Bảo đảm nguồn cung để bình ổn thị trường cuối năm

07/10/2010 07:26 AM


Giải pháp hữu hiệu và tiên quyết để bình ổn thị trường thời gian qua là ổn định, chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa.

Giải pháp hữu hiệu và tiên quyết để bình ổn thị trường thời gian qua là ổn định, chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 6/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường với 22 địa phương, bộ, ngành và 5 Tổng công ty chuyên phân phối các mặt hàng thiết yếu trong nước.

Kịp thời dập các cơn sốt giá

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong 9 tháng đầu năm nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào và nhập khẩu tăng, nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân nên nền kinh tế tiếp tục ổn định, có sự chuyển biến tích cực.

Trong đó, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng ở tất cả các nhóm hàng thiết yếu và sản xuất hàng hóa được phục hồi mạnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đến hết Quý III đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm (13,8% so với 12%).

Tính đến tháng 9/2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 1.146.161 tỷ đồng, tăng 25,4% so cùng kỳ năm 2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,46%, riêng CPI tháng 9/2010 tăng 1,31% so với tháng 8/2010.

Trong 9 tháng qua, một số biến động gây ảnh hưởng xấu trên thị trường đã được các ngành, địa phương xử lý kịp thời. Đơn cử như hiện tượng sốt giá thép hồi tháng 4, nhờ việc thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bảo đảm nguồn cung trên thị trường, đồng thời triển khai kiểm tra giá gắt gao, hiện tượng đầu cơ, găm hàng thép xây dựng đã được giải quyết.

Tương tự, cuối tháng 6 đầu tháng 7, nguồn cung đường trong nước giảm sút đúng dịp Tết Trung thu nhưng thị trường đã được bình ổn nhờ việc nhập khẩu bổ sung đường theo hạn ngạch thuế quan lần 2. "Cơn sốt gạo  ảo"  qua đường xuất khẩu tiểu ngạch xảy ra đầu tháng 8 đã được xác minh, thông tin kịp thời để có giải pháp xử lý, dập tắt sớm…

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện nghiêm túc, góp phần kiểm soát nguồn cung, bình ổn thị trường. Trong 8 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường xử lý 50.896 vụ vi phạm với tổng trị giá 178,2 tỷ đồng, trong đó gần 4.000 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá.

Ổn định nguồn cung là giải pháp tiên quyết

 

Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa để bình ổn thị trường

Ý kiến từ các địa phương, bộ, ngành, đơn vị liên quan đều thống nhất giải pháp hữu hiệu và tiên quyết để bình ổn thị trường thời gian qua là ổn định, chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, sự ổn định thị trường địa phương chính là nhờ cung ứng đủ hàng hóa với giá thấp hơn thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa và khả năng tiếp cận của người dân đối với các hàng hóa thiết yếu.

Thành phố đã đề ra 4 bước quy chuẩn là lập kế hoạch, xác định được mặt hàng, lượng vốn; triển khai, xác định tiêu chí DN để tham gia sản xuất, lưu kho bình ổn; thường xuyên kiểm soát đảm bảo đúng cam kết giá, giá niêm yết và tổng kết rút kinh nghiệm.

Với việc thực hiện liên tục 4 bước này, thành phố đã bình ổn thị trường không chỉ trong dịp Lễ, Tết mà quanh năm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cũng cho biết, cùng với việc tăng cường hệ thống hạ tầng thương mại, xác định được nhu cầu hàng hóa, lựa chọn được mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng những nhà máy tập trung sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, chủ động và kiểm soát được lượng hàng bán ra.

Nhờ vậy tốc độ tăng CPI ở Thủ đô từ tháng 1 đến tháng 8 có xu hướng giảm rõ rệt, đến tháng 8 chỉ tăng có 0,15%. Ước trong 10 tháng đầu năm, chỉ số CPI Hà Nội tăng thấp so với năm trước.

Trong khi đó, mặt hàng thiết yếu xăng dầu được bình ổn nhờ lượng dự trữ đảm bảo. Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam cho biết, dù năm 2010 có nhiều yếu tố tác động lớn đến lượng cầu như thiếu điện, nhưng nhìn chung Tổng công ty thường xuyên đảm bảo lượng dự trữ tăng 20%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, cung cầu xi măng, thép nói chung là ổn định, hướng tới xuất khẩu, lượng dự trữ tồn kho đáp ứng từ 15 ngày đến 1 tháng.

 

Các đầu cầu địa phương - Ảnh: Chinhphu.vn

Sẵn sàng đối phó diễn biến bất thường

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra, việc bình ổn thị trường cần được các bộ, ngành, địa phương cũng như các DN xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

“Trong 9 tháng qua, giá cả thế giới, việc điều chỉnh tỷ giá trong nước, điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào, độ trễ của chính sách kích cầu 2009 là những nhân tố tác động làm giá tăng khá cao. Những yếu tố này đến cuối năm sẽ giảm dần nhưng nhiệm vụ bình ổn giá những tháng cuối năm rất nặng nề: chỉ số tăng CPI 3 tháng tới phấn đấu chỉ khoảng 1,56%”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thống nhất với 5 nhóm giải pháp lớn được nêu ra tại hội nghị,  Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Công Thương tập trung đảm bảo cung cầu điện, theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu ở tầm vĩ mô, dự báo sớm thị trường, thông tin kịp thời, hỗ trợ việc triển khai hệ thống phân phối bán lẻ cho các địa phương. Về dài hạn, Bộ Công Thương cần xây dựng quy chế thực hiện việc bình ổn giá cả thị trường.

Bộ NNPTNT quản lý vấn đề lương thực, thực phẩm cuối năm, có giải pháp khôi phục đàn gia súc, sản xuất nông nghiệp trong mùa bão lũ, phòng chống dịch bệnh, chú ý mặt hàng gạo, thịt lợn và muối. Trong mùa xây dựng tới, dù nguồn cung đảm bảo nhưng Bộ Xây dựng cần lưu ý chỉ đạo xử lý vấn đề sốt giá cục bộ. “Hiện tượng thiếu hụt xi măng vẫn có khả năng xảy ra ở phía Nam”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đặc biệt, các địa phương phải thường xuyên đánh giá lại cung cầu, có báo cáo về từng mặt hàng thiết yếu, trên cơ sở đó xác định mặt hàng cần bình ổn để đề xuất cơ chế, giải pháp.  Lưu ý tăng cường tích nước trong các hồ chứa, sử dụng nước hết sức tiết kiệm.

“Mỗi tỉnh, thành phải có sự linh hoạt, phù hợp với những diễn biến ở địa phương mình. Như Hà Nội phải hết sức chú ý tới diễn biến thị trường trong dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoặc như Đắk Lắk là nơi có dịch heo tai xanh lan rộng phải chú ý nguồn cung thực phẩm. Các tỉnh phía Nam để ý tới nguồn cung vật liệu xây dựng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 

5 nhóm giải pháp lớn để bình ổn thị trường cuối năm

  1. Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu;
  2. Thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời ban hành, điều chỉnh các cơ chế, chính sách điều chỉnh, ổn định khi có biến động giá cả.
  3. Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với các đơn vị phân phối hơn để tiêu thụ, đáp ứng phân phối hàng hóa đều khắp các địa bàn
  4. Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và VSATTP.
  5. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác về diên biến thị trường, tránh hiện tượng thông tin thất thiệt để trục lợi.

Theo Chinhphu.vn