Khẩn cấp cứu trợ miền Trung

06/10/2010 08:37 AM


Mưa lũ cô lập nhiều địa phương, hàng vạn người dân đang rất cần tiếp tế lương thực, nước uống. Hà Nội hỗ trợ các tỉnh bị lũ 5 tỉ đồng

Mưa lũ cô lập nhiều địa phương, hàng vạn người dân đang rất cần tiếp tế lương thực, nước uống. Hà Nội hỗ trợ các tỉnh bị lũ 5 tỉ đồng

 
 
Chiều 5-10, Ban Chỉ đạo Phòng,  chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các bộ, ngành liên quan yêu cầu các tỉnh, TP và các bộ, ngành thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) để chủ động phòng, tránh và thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
 
Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn, đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
 
Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế 10 cơ số thuốc, 100.000 viên Cloramin B và 100 chiếc áo phao.
 
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 4 đã cử lực lượng gồm 905 cán bộ chiến sĩ và các phương tiện (10 xuồng cao tốc, 25 ô tô các loại, 500 áo phao, 400 phao tròn, 35 nhà bạt) tham gia đối phó với mưa lũ.
 
Cùng ngày 5-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã gửi công điện thăm hỏi các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt. TP Hà Nội sẽ chuyển 5 tỉ đồng đến tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế (mỗi tỉnh 1 tỉ đồng) để góp phần khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.
 
Nghệ An: Khẩn trương cứu tàu bị nạn
 
Tính đến tối 5-10, tỉnh Nghệ An đã có 5 người chết và thiệt hại về tài sản khoảng 20 tỉ đồng do mưa lũ.
 
 

Nhà dân bị ngập sâu trong nước tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: HOÀNG HÀ

 
Hiện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng đang phối hợp với Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An và Huyện đội Quỳnh Lưu huy động tàu cứu hộ và các tàu đang hoạt động gần 9 tàu đánh cá bị nạn trên biển với tổng cộng hơn 50 thuyền viên trên tàu.
 
Hà Tĩnh: Hơn 36.000 học sinh nghỉ học
 
Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết đến nay, toàn tỉnh đã có 12 người chết, một người mất tích; gần 100.000 ngôi nhà bị chìm trong nước. Đáng chú ý là lũ ở các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy đang lên rất nhanh.
 
Mưa ở Quảng Bình đang rất to và cả tỉnh chìm trong nước. Đã 3 ngày qua người dân ở những vùng ngập lũ không có cái ăn.
 
Được biết Quân khu 4 dự kiến sẽ đưa 2 trực thăng, 15 xuồng cao tốc, xe lội nước, 2,5 triệu lít nước sạch, 1,5 triệu bánh lương khô vào cứu trợ khẩn cấp tại Quảng Bình...
 
Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết đã chỉ đạo đến 66 trường với khoảng 3 vạn học sinh phải nghỉ học.
 
Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện, đã có 23 trường học bị ngập, nhiều trường học nước ngập sâu hơn 4 m, toàn bộ các thiết bị, sách vở, đồ dùng dạy học hư hỏng nặng.
 
Tại xã Hương Thủy, cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy, trong khi đến trường đã bị nước lũ cuốn trôi đến nay chưa tìm thấy thi thể.
 
Các trường học tại các huyện Vũ Quang, Thạch Hà... cũng bị ngập nặng, hơn 6.000 học sinh phải nghỉ học.
 
Quảng Trị: Sơ tán hơn 4.000 hộ dân
 
Tại Quảng Trị, tuy mưa đã ngớt nhưng do nước từ thượng nguồn đổ về lớn khiến mực nước tại các sông dâng cao. Mực nước tại các sông Bến Hải, Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Thác Ma, Ô Lâu đều vượt mức báo động 3.
 
Đến hết ngày 5-10, đã có 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, TP với hơn 10.000 nhà dân ngập lụt từ 0,5 - 1 m, 3 người chết và 2 người mất tích do lũ. Một số tuyến đường ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong và vùng núi huyện Đakrông, Hướng Hóa bị ngập sâu, sạt lở gây ách tắc giao thông và cô lập cục bộ một số vùng.
 
Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 2.064 hộ dân đến các điểm tập trung an toàn và sơ tán tại chỗ 2.000 hộ dân khác.
 
Tỉnh Quảng Trị đã triển khai 7 đoàn công tác trực tiếp về các địa bàn xung yếu để nắm bắt tình hình và quyết liệt triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ để tránh thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
 
Ngành giao thông Quảng Trị đang tích cực giải phóng các điểm đường bị sạt lở gây ách tắc trên Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và Tây.
 
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết địa phương đang gặp nhiều khó khăn về lương thực, đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn gạo và 3.000 phao áo cứu sinh.
 
Thừa Thiên – Huế: Đề nghị hỗ trợ 1.000 tấn gạo
 
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn hàng ngàn nhà dân ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà ngập nước, hàng chục trường học vẫn tiếp tục đóng cửa, các tuyến đường như Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 4... đang ngập nước.
 
Do ảnh hưởng của triều cường, mực nước sông Bồ, sông Ô Lâu xuống rất chậm, hiện sông Bồ vẫn còn trên mức báo động 2 là 0,61 m, sông Ô Lâu trên báo động 3 là 0,32 m.
 
Theo báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, tình hình mưa lũ trong những ngày qua đã làm 7.200 ngôi nhà bị ngập, 1.800 ha rau màu hư hại.
 
Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường sắt Bắc – Nam... sạt lở gần 60 điểm.
 
Ông Trần Kim Thành, Phó Trưởng Ban Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính trên 42 tỉ đồng. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10 tấn mì tôm cho người dân vùng lũ, cùng 1.000 áo phao, 2 tàu và 7 ca nô cao tốc cứu hộ.

Từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa

 
Trung tâm cho biết chiều tối 5-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,8 đến 19,8 độ vĩ Bắc; 109,1 đến 110,1 độ kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh - Quảng Trị khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm về phía Bắc. Đến chiều 6-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 19,5 đến 20,5 độ vĩ Bắc; 108,9 đến 119,9 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
 
Do ảnh hưởng của ATNĐ, kết hợp với đới gió Đông Bắc mạnh nên vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

Hàng cứu trợ của bạn đọc Báo NLĐ đã đến vùng lũ

 
Sáng 5-10, Báo Người Lao Động đã chuyển chuyến hàng đầu tiên gồm 80 thùng mì tôm đến cứu trợ kịp thời cho người dân xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).  Hàm Ninh là một trong những xã bị ngập từ hôm 3-10.
 
Ông Hà Xuân Tập, Chủ tịch UBND xã có mặt tại trụ sở UBND xã, đang bị nước ngập lưng chừng tầng một cho hay: “Toàn xã có 1.580 hộ dân thì đã có gần 1.400 hộ bị ngập trong lũ sâu từ 2-3 m. Điều khẩn cấp bây giờ là giúp dân có cái ăn, nước uống trong lúc lũ ngập...”.
 
Trao hàng cứu trợ cho người dân xã Hàm Ninh
 
Ngôi nhà ông Nguyễn Thắng (thôn Trường Niên) ngập sâu gần 3 m. Nhận thùng mì tôm, ông xúc động: “Hôm qua đến nay không thổi cơm được vì củi lửa ngập hết rồi. Bây giờ có được thùng mì tôm là quý lắm...”. Căn nhà kế bên của chị Lê Thị Định cũng bị ngập quá nửa. Chị Định cho biết cả nhà nhịn đói từ hôm qua.
 
Hiện toàn bộ 14/15 xã của huyện Quảng Ninh vẫn đang chìm trong lũ.

Tin - ảnh: H.Hà

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ

Tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn

 
Ngày 5-10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công điện khẩn số 1797/CĐ-TTg gửi các địa phương bị lũ và các bộ, ngành liên quan. Để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
 
UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế: Tập trung chỉ đạo cứu trợ những người dân chưa sơ tán kịp tại các khu vực bị ngập sâu, các tàu thuyền gặp nạn trên biển; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân...
 
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương trong khu vực ảnh hưởng mưa lũ, triển khai lực lượng, phương tiện, thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn theo đề nghị của địa phương.
 
Các bộ: NN-PTNT, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Y tế và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương làm tốt các việc sau: vận hành an toàn các hồ chứa nước, bảo  đảm an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc, có phương án bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, bảo đảm đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh...
 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, ATNĐ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương...

 

Theo NLDO