Hội Khuyến học góp sức xây dựng xã hội học tập

30/09/2010 07:47 AM


Thông qua các phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cụm dân cư khuyến học", hoạt động khuyến học, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tích cực tham gia đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Thông qua các phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cụm dân cư khuyến học", hoạt động khuyến học, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tích cực tham gia đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

 

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Đại hội - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 29/9, Hội khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và 600 đại biểu đại diện cho 7,5 triệu hội viên đã dự Đại hội.

Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam ông Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, đến nay sau 14 năm ra đời, Hội đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học với tổng số hội viên lên tới 7,5 triệu người.

Trong 5 năm qua, Hội đã phát động phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cụm dân cư khuyến học". Đến nay, cả nước đã có trên 3,5 triệu gia đình được công nhận là "Gia đình hiếu học" và hàng ngàn cụm dân cư khuyến học được xây dựng.

Những năm qua, Hội Khuyến học đã xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học, tranh thủ sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, các doanh nhân, các đoàn thể, các tổ chức, các đơn vị lực lượng vũ trang... mỗi năm cấp học bổng cho 2-2,5 triệu lượt học sinh nghèo. Hiện tổng số tiền trong các loại quỹ khuyến học khoảng 684,908 tỷ đồng.

Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm còn ủng hộ bằng hiện vật, đặc biệt là đã hiến hàng ngàn mét vuông đất xây trường mầm non, trường nội trú, trường bán trú dân nuôi, trường phổ thông với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhận thức về xã hội học tập trong một bộ phận nhân dân, một số cơ quan của Đảng và của các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế, chưa thật đầy đủ, thiếu chính xác, việc triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập còn thiếu sự chỉ đạo sát sao. Khái niệm xã hội học tập vẫn chưa được nhận thức một cách thống nhất giữa các cơ quan có chức năng giáo dục.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội khuyến học Việt Nam  với sự tham dự của 600 đại biểu đại diện cho 7,5 triệu hội viên. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao công lao của những cán bộ lão thành, các trí thức, nhà khoa học, nhà giáo dù đã nghỉ hưu hay còn đang làm việc, đã dành nhiều tâm huyết với "sự nghiệp trồng người" của nước nhà, tích cực tham gia phong trào của Hội Khuyến học với trách nhiệm cao.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Hội Khuyến học cần tiếp tục phát triển các tổ chức của Hội, động viên cao độ tâm huyết và năng lực tư duy sáng tạo của cán bộ và hội viên, đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tích cực tham gia đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở theo tinh thần xã hội hóa, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với ngành giáo dục, liên kết mọi lực lượng xã hội tham gia vào quá trình đào tạo, từ đó tạo ra những cơ hội để người dân có cơ hội học tập suốt đời.

Theo Chinhphu.vn