Phát hiện một đường dây trục lợi tiền BHYT tại BV Nội tiết TW?

30/09/2010 07:27 AM


Chuyện một đại gia đình bị mắc đái tháo đường, nhưng sự thật, đây là một đường dây ăn cắp thuốc bệnh viện và trục lợi BHYT...

Chuyện một đại gia đình bị mắc đái tháo đường, nhưng sự thật, đây là một đường dây ăn cắp thuốc bệnh viện và trục lợi BHYT...

1

2

Biên bản làm việc giữa BHXH TP. Hà Nội và BV Nội tiết TW giải trình về những chứng từ khám chữa bệnh khống ngày 15/09/2010

...lên đến hàng trăm triệu đồng của chính bác sỹ làm việc tại Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương.

Nếu điều trị ĐTĐ, bệnh nhân sẽ… chết tươi ngay!

Khi câu  chuyện về một gia đình, cả nhà bị ĐTĐ tại Hà Nội gây xôn xao dư luận tại Bệnh Viện Nội Tiết Trung Ương gần đây còn chưa lắng xuống. Và, khi bệnh viện chưa hề có những biện pháp kiểm tra, xác định thực hư những bệnh nhân mỗi năm vẫn tiêu tốn hàng chục triệu tiền thuốc điều trị từ BHYT có bị bệnh thật hay không. Thì mới đây, trao đổi với VNN, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Hùng, Trưởng khoa Nội Tiết 2, Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương, một chuyên gia điều trị ĐTĐ khẳng định: Hầu hết những bệnh nhân trong gia đình bị ĐTĐ tại Hà Nội không hề bị ĐTĐ.

Theo bác sỹ Hùng, bệnh án và phác đồ điều trị của các bệnh nhân này hiện được công khai, cơ quan bảo hiểm y tế và các bác sỹ trong bệnh viện đều nắm được. Vì vậy, nếu căn cứ vào kết quả xét nghiệm và phác đồ thuốc điều trị thì bệnh nhân chỉ có… chết tươi do đã uống liều thuốc quá cao!

Bác sỹ Hùng cho biết: Bệnh nhân được cho là bị ĐTĐ chỉ khi xét nghiệm được lượng đường trong máu đạt trên 7 milinom/lít. Ngay cả khi đã xác định bệnh nhân bị ĐTĐ, bác sỹ vẫn phải căn cứ kết quả xét nghiệm lượng đường trong máu bệnh nhân đạt nồng độ như thế nào người ta mới có căn cứ để kê những loại thuốc điều trị liều cao cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân trong gia đình bị tiểu đường lại đo được lượng đường trong máu rất thấp, chỉ trung bình từ 3.5 đến dưới 7.0 milinom/lít. Đó là nồng độ đường máu của những người bình thường, song lại được kê những toa thuốc đắt tiền trị tiểu đường liều cao bất thường.

Bác sỹ Hùng lấy dẫn chứng “bệnh nhân” N.Q.H, 54 tuổi, trong lần xét nghiệm đầu tiên (vào tháng 6 năm 2008), kết quả cho thấy lượng đường trong máu của ông Hàm chỉ đạt 4,5 milinom/lít. Kết quả này chứng tỏ bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không hề bị tiểu đường nhưng bác sỹ vẫn kê thuốc điều trị giống như kê cho một bệnh nhân đang bị tiểu đường ở giai đoạn... “thập tử nhất sinh”! Những lần khám và điều trị sau này, kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu ông H rất thấp, nhưng bác sỹ vẫn kê toa thuốc liều cao nhất cho bệnh nhân ĐTĐ.

Với trường hợp bà N.T.N, vợ ông H cũng vậy. Kết quả xét nghiệm lần đầu tiên cho thấy lượng đường trong máu của bà N chỉ đạt 4.4 milinom/lít. Đó là mức đường trong máu của một người bình thường, nhưng bà N cũng được bác sỹ kê cho toa thuốc mạnh nhất dành cho bệnh nhân ĐTĐ.

Bác sỹ Hùng cho biết: Nếu ông H và bà N sử dụng đúng toa thuốc mà bác sỹ kê trong những lần điều trị thì cả hai sẽ chết tươi. Bởi liều thuốc quá cao sẽ khiến bệnh nhân ngay lập tức bị hạ đường huyết, không thể cứu chữa được.

Trong số 3 người con của vợ chồng ông H, bà N điều trị ĐTĐ tại bệnh viện Nội Tiết, bác sỹ Hùng cho biết, chỉ có anh Trần Trung.T có khả năng bị tiểu đường. Hai trường hợp còn lại là Nguyễn Trường. S và Nguyễn Thuỳ. L thì bác sỹ Hùng khẳng định không hề bị bệnh. Bởi các kết quả xét nghiệm cho thấy đường máu của cả hai đều rất thấp - mức đường huyết của những người không bị bệnh. Thế nhưng, cả 2 người đều có phác đồ điều trị bệnh ở mức cao nhất dành cho bệnh nhân ĐTĐ.

Theo bác sỹ Hùng, nếu những bệnh nhân này đều điều trị theo đúng phác đồ đã nêu trong bệnh án thì dù không bị bệnh hay bị bệnh cũng sẽ… chết tươi vì sốc thuốc!

Hé lộ một đường dây trục lợi BHYT

Thông tin từ BHXH TP. Hà Nội cho biết, mới đây, đã phát hiện tường hợp16 bệnh nhân có BHYT điều trị ĐTĐ trong bệnh viện Nội Tiết Trung Ương hàng năm trời, với hàng chục lượt khám điều trị, nhưng lại chỉ có một chữ ký mạo danh.

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường nên BHXH TP. Hà Nội đã “treo”, không thanh toán chi phí khám chữa bệnh của nhiều bệnh nhân để tiến hành thanh kiểm tra.

Theo bác sỹ Đào Thị Bích Loan, Trưởng phòng Giám định, BHXH TP. Hà Nội Hà Nội thì những trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm nhưng bị treo, không được thanh toán vì nhiều hoá đơn, chứng từ không hợp lệ. Cụ thể, số tiền BHXH TP. Hà Nội không thanh toán của 16 bệnh nhân, với 104 lượt khám điều trị ngoại trú lên đến trên 115 triệu đồng.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Minh Hùng, ngoài 5 bệnh nhân trong cùng một gia đình thì 11 bệnh nhân còn lại (trong số 16 bệnh nhân được một bác sỹ trong bệnh viện ký khống lấy thuốc điều trị), hầu hết đều… không bị ĐTĐ. Thế nhưng, bác sỹ kê đơn thuốc điều trị các bệnh nhân này vẫn kê những liều thuốc cao nhất, với những loại thuốc rất đắt tiền dành cho bệnh nhân ĐTĐ!

Theo Biên bản làm việc giữa BHXH TP. Hà Nội với Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương ngày 15/09/2010 thì 16 bệnh nhân ĐTĐ trên đều được xác định là người nhà của y tá trưởng Khoa Hồi Sức Cấp cứu Nguyễn Thị Mai Thanh.

Kết quả thanh tra của thanh tra BHXH TP. Hà Nội cũng cho thấy chữ ký mạo danh của 16 bệnh nhân, với104 lượt khám ngoại trú, tổng số tiền bị trục lợi lên đến trên 115 triệu đồng là do chính y tá Thanh tiến hành ký khống.

Như vậy, một đường dây trục lợi thuốc bệnh viện và BHYT tại Bệnh viện Nội tiết Trung Ương đã diễn ra hàng năm trời, với số tiền rất lớn đã bị thanh tra BHXH TP. Hà Nội phanh phui. Những cá nhân trục lợi, theo cam kết của bệnh viện, rồi sẽ bị xử lý và phải bồi hoàn toàn bộ số tiền trục lợi. Thế nhưng, dư luận một lần nữa đặt câu hỏi: Liệu còn đường dây trục lợi thuốc và BHYT tại Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương nào còn hoạt động và được bao che nên chưa bị phát hiện?!

Theo Tạp chí BHXH