Sáng 10-10: Diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử

29/09/2010 09:06 AM


Qui mô nhất từ trước đến nay và là sự kiện quan trọng nhất của Đại lễ- Ban tổ chức khẳng định về cuộc mít tinh, diễu binh diễu hành trong ngày chính lễ, 10-10, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Qui mô nhất từ trước đến nay và là sự kiện quan trọng nhất của Đại lễ- Ban tổ chức khẳng định về cuộc mít tinh, diễu binh diễu hành trong ngày chính lễ, 10-10, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

 

Tập dượt cho lễ diễu binh ngày 10-10. Ảnh Nguyễn Minh
Tập dượt cho lễ diễu binh ngày 10-10. Ảnh Nguyễn Minh.

Tại cuộc họp báo chiều 28-9 trước 200 phóng viên trong nước và quốc tế, ban tổ chức- Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thông báo về ba nội dung: Mít tinh ở quảng trường Ba Đình với khởi điểm là Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 7g55 ngày 10-10, rước đuốc đến Lăng Hồ Chủ tịch và thắp lên đài lửa. Cả quảng trường sẽ hát quốc ca trong lễ chào cờ, đồng thời bắn 21 loạt đại bác chào mừng. Sau diễn văn của Chủ tịch nước là bài hát đồng ca, ngợi ca Hà Nội do khối đứng tại sân quảng trường Ba Đình thể hiện.

Phần diễu binh với 1 vạn hai ngàn người tham gia gồm 15 khối bộ đội, công an, dân quân tự vệ. Một trong những điểm nhấn là 10 máy bay mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Phần diễu hành chia làm ba khối: Khối Hà Nội có xe rước rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội, xe rước bằng UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long- di sản văn hóa thế giới. Khối đại diện các thành phần tiêu biểu gồm 13 khối. Khối nghệ thuật sẽ biểu diễn 30 phút chào mừng. Chương trình kết thúc sau 2 tiếng với màn thả bóng bay và chim bồ câu.

Trong 31 ngàn người tham gia diễu hành, có khoảng 200 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Hà Nội. Khách mời quốc tế của Đại lễ chủ yếu là quan chức UNESCO và thị trưởng các thành phố có quan hệ với Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết, trong ngày chính lễ cũng như sơ duyệt 2-10 và tổng duyệt 7-10, chỉ cấm đường ở các tuyến phố có diễu binh diễu hành. Những ngày này người dân đi ra đường nên mang theo giấy tờ tùy thân. Tại các vườn hoa sẽ đặt khoảng 20 màn hình lớn để người dân theo dõi truyền hình trực tiếp.

Trường hợp trời mưa bão không thể diễu binh diễu hành thì phương án dự phòng sẽ là tổ chức Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trước chính lễ, ngày 9-10, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN, thành phố Hà Nội, các Ban, Bộ, ngành đoàn thể T.Ư và 62 tỉnh thành vào Lăng viếng Bác, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại tượng đài liệt sĩ.

 P.V.V

 

Tranh thêu “Ước nguyện ngàn năm” đã về với Thăng Long

Sáng qua (28-9), bức tranh thêu tay khổ lớn 3m x 4m Ước nguyện ngàn năm Thăng Long đã được Cty XQ làm lễ dâng tại điện Kính Thiên.

Bức tranh là thành quả của 9 nghệ nhân trong gần 1.000 ngày, được các nghệ nhân rước qua 16 tỉnh, thành trong Hành hương về cội nguồn mừng Thăng Long nghìn tuổi. Hàng loạt tác phẩm tranh thêu và hoa quý được XQ trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long trong suốt 10 ngày Đại lễ.

Đỗ Huyền 

 

Bắn pháo hoa tại cầu Long Biên, 6-10

Đêm khai mạc festival “Ký ức cầu Long Biên” hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mở đầu bằng màn pháo hoa dài 15 phút tại cầu Long Biên, trực tiếp trên VTV1, với sự tài trợ của tập đoàn Kangaroo.

Từ 6 đến 9-10 sẽ có một lễ hội trên cầu với nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn trên chiều dài 1682m của cây cầu là gallery ngoài trời trưng bày tác phẩm của hàng trăm nghệ sĩ trong ngoài nước thể hiện tình yêu đối với Hà Nội và cầu Long Biên. Tiền bán đấu giá tranh dành cho mục đích từ thiện.  

 

Các hoạt động chính 10 ngày Đại lễ

Ngày 1-10: Ngày khai mạc

8h: Lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hoá thế giới khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại vườn hoa Lý Thái Tổ. 9h30: Biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm. 14h: Triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật qua các thời kỳ tại số 2 Hoa Lư. 15h: khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội tại vườn hoa Giám và 45 Tràng Tiền. 19h30: Khai mạc tuần lễ phim lịch sử, cách mạng tại 87 Láng Hạ. 20h: Khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội VN và Thăng Long - Hà Nội tại 148 Giảng Võ. 20h: Biểu diễn nghệ thuật Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 2-10

8h: Khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tại số 9 và 18 Hoàng Diệu. 19h30: Khai mạc Liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long-Hà Nội tại khu Thiên đường Bảo Sơn. 19h30: Lễ hội rồng tại quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Ngày 3-10
 

9h: Khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất

20h: Chương trình nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ngày 4-10
 

8h30: Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 9h: Khánh thành Cung trí thức tại quận Cầu Giấy. 15h: Khai mạc triển lãm Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá VN tại 25 Tông Đản. 15h30: Khai mạc triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự VN tại 28A Điện Biên Phủ. 17h: Khai mạc triển lãm và Liên hoan Thư pháp Thăng Long-Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 20h: Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ngày 5-10

9h:Khánh thành tượng đài Thánh Dóng tại Đền Sóc-Sóc Sơn. 9h: Giới thiệu công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng. 14h: Khai mạc triển lãm Nghề gốm Bát Tràng-cổ truyền và hiện đại tại Bát Tràng - Gia Lâm. 15h: Khai mạc biểu diễn võ thuật cổ truyền Hào khí Thăng Long tại Cung thể thao Quần Ngựa.

Ngày 6-10

8h: Khai mạc liên hoan nghệ thuật diều - Hà Nội tại quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. 8h30: Khánh thành Bảo tàng Hà Nội và khai mạc triển lãm Hà Nội xưa tại đường Phạm Hùng. 9h: Khai mạc triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội tại Cung văn hoá lao động hữu nghị. 20h: Khai mạc Liên hoan ẩm thực Hà Thành tại Công viên nước Hồ Tây.
 

Ngày 7-10

14h: Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô văn hiến, anh hùng, vì hoà bình tại 11 Lê Hồng Phong.

Ngày 8-10

7h: Chương trình văn hoá nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước xung quanh hồ Hoàn kiếm và các sân khấu ngoài trời. 9h: Khánh thành Công viên Hoà Bình. 20h: Chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1000 bà mẹ VN Anh hùng tại Trung tâm hội nghị Quốc gia. 20h: Lễ hội đường phố của tuổi trẻ tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 9-10
 

6h: Đua xe đạp xuyên Việt quốc tế xung quanh hồ Hoàn Kiếm. 7h30: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBTWMTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, các tỉnh thành phố vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng đài liệt sỹ. 9h: Động thổ xây dựng Nhà hát Thăng Long tại khu đô thị Tây Hồ Tây. 20h: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời

Ngày 10-10: Ngày Đại lễ

8h: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình. 20h: Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Để tìm hiểu thông tin về hoạt động kỷ niệm, bạn đọc vào địa chỉ www.thanglonghanoi.gov.vn 

Theo TPO