Lựa chọn cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô

16/09/2010 10:35 AM


Dự thảo Luật Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản.

Dự thảo Luật Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản.

 

Thủ đô Hà Nội

Chiều 15/9, tại phiên họp lần thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô sau khi nghe trình bày của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thành viên Ban soạn thảo Dự án.

Chính sách đặc thù nhưng phải gắn kết với cả nước

Dự thảo Luật quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Ví dụ, không xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường, bệnh viện, không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành.

Dự thảo cũng có quy định riêng nhằm tạo điều kiện để Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và trên thế giới.

Về quản lý giao thông vận tải, cơ chế, chính sách đặc thù là giao HĐND thành phố ban hành quy định về thu phí lưu thông một số phương tiện (dự kiến là xe máy và ô tô) ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Do yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù ở Thủ đô, dự thảo cũng cho phép UBND thành phố trình Thủ tướng quyết định thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn toàn tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác tiềm năng, phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô không phải là gắn với mô hình chính quyền tự quản như một số quy định trong dự thảo Luật như xác định Thủ đô là đơn vị hành chính đặc biệt, danh hiệu Công dân Thủ đô, hay chính quyền Thủ đô được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn….

Việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác.

Cần cơ chế tài chính phù hợp

Về chính sách, cơ chế tài chính, theo dự thảo Luật, Thủ đô được sử dụng toàn bộ phần thu ngân sách Trung ương vượt dự toán hàng năm (trừ một số khoản) để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô. Các đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ vì điều này không phù hợp với khoản 5 Điều 59 Luật ngân sách Nhà nước về xử lý số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, chính sách, cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Tiêu chí phân bổ ngân sách cho Thủ đô ở mức cao chỉ nên quy định  trong một khoảng thời gian nhất định chứ không nên quy định cứng trong luật.

Về thu phí, phạt tiền, dự thảo quy định cao hơn so với mức trung bình. Đa số các đại biểu cho rằng, đây không hẳn là giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc của Hà Nội mà quan trọng là phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Các đại biểu góp ý cần xem xét lại các phạm vi, lĩnh vực xử phạt sao cho hơp lý.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, thực tế riêng TP.HCM và Hà Nội vốn dĩ được ưu tiên nhiều, ví dụ vốn đầu tư từ ngân sách đã chiếm 40% đầu tư xây dựng cơ bản cả nước, do đó việc ưu tiên cần phải chọn lọc, không nhất thiết lĩnh vực nào cũng phải cao hơn.

Theo Chinhphu.vn