Lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai

13/09/2010 07:27 AM


Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai (LĐĐ) và sửa đổi LĐĐ năm 2003 (BCĐ) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kết thi hành LĐĐ trên phạm vi toàn quốc và sửa đổi LĐĐ năm 2003. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng BCĐ.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai (LĐĐ) và sửa đổi LĐĐ năm 2003 (BCĐ) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kết thi hành LĐĐ trên phạm vi toàn quốc và sửa đổi LĐĐ năm 2003. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng BCĐ.

 

Trước ngày 31/12/2010, các địa phương phải hoàn thành việc tổng kết và hoàn thiện báo cáo tổng kết về thi hành LĐĐ - Ảnh minh họa

Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên; Ủy viên Thường trực là Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển. Ngoài ra, BCĐ có các ủy viên là lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Các thành viên BCĐ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Giúp việc cho BCĐ có Văn phòng thường trực (đặt trụ sở tại Bộ TNMT) và tổ chuyên gia liên ngành do Trưởng ban quyết định thành lập.

Lập 5 đoàn công tác khảo sát tại 15 địa phương

Tại Chỉ thị mới đây về việc tổng kết thi hành LĐĐ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết và đánh giá kết quả của việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai theo 3 nội dung:

Thứ nhất, tổng kết tình hình ban hành, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

Thứ hai, đánh giá kết quả về tổ chức thực hiện các công việc tại địa phương như lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai...

Thứ ba, đánh giá về công tác tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở vật chất của hệ thống cơ quan quản lý đất đai tại địa phương.

BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc triển khai thực hiện tổng kết thi hành LĐĐ năm 2003 trên phạm vi cả nước; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tổng kết thi hành LĐĐ năm 2003 và tổng kết, đánh giá việc thực hiện tổng kết thi hành LĐĐ năm 2003, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các nhiệm vụ trên, sẽ có 5 Đoàn công tác được thành lập do các thành viên BCĐ làm Trưởng đoàn, thực hiện việc đôn đốc, khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 5 khu vực (Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long); đại diện vùng đô thị, nông thôn và miền núi.

Các Đoàn công tác sẽ khảo sát tình hình thi hành LĐĐ thông qua hình thức làm việc trực tiếp với HĐND, UBND, cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan quản lý khác có liên quan đến quản lý đất đai ở địa phương

Việc khảo sát được thực hiện ngay trong tháng 9 và tháng 10 này; sau đó các đoàn công tác báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ TNMT để tổng hợp trước ngày 15/12/2010.

Đối với các địa phương, trước ngày 31/12/2010 phải hoàn thành việc tổng kết và hoàn thiện báo cáo tổng kết về thi hành LĐĐ, gửi về Bộ TNMT để tổng hợp.

Trong tháng 2/2011, BCĐ sẽ thông qua báo cáo Tổng kết thi hành LĐĐ và chỉ đạo việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết về thi hành LĐĐ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2011.

Sửa đổi LĐĐ năm 2003 đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH

Bên cạnh việc tổng kết thi hành LĐĐ, BCĐ còn có nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng dự án sửa đổi LĐĐ năm 2003 theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Cụ thể, BCĐ có nhiệm vụ thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng LĐĐ sửa đổi do Bộ TNMT lập; chỉ đạo xây dựng nội dung dự thảo LĐĐ sửa đổi; chỉ đạo việc lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan...

Sau hơn 6 năm triển khai trên thực tế, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn triển khai thi hành LĐĐ trong thời gian qua đã phát sinh một số nội dung cần phải điều chỉnh như: chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ, tái định cư; việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế,... Bởi vậy, việc đề xuất những nội dung cần sửa đổi trong LĐĐ là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo Chinhphu.vn