Đảm bảo hiệu quả bền vững của cây cao su vùng Tây Bắc

19/08/2010 07:00 AM


Việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc đã tác động mạnh mẽ đến tư duy kinh tế của cán bộ và người dân. Cần phải có những bước đi phù hợp để đảm bảo được hiệu quả bền vững của cây cao su.

Việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc đã tác động mạnh mẽ đến tư duy kinh tế của cán bộ và người dân. Cần phải có những bước đi phù hợp để đảm bảo được hiệu quả bền vững của cây cao su.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn


Ngày 18/8, tại Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị sơ kết chương trình phát triển cây cao su các tỉnh vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức.

Thay đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế

Trong những năm vừa qua, chương trình phát triển vùng cao su tại các địa phương vùng Tây Bắc đã được triển khai với tốc độ khá nhanh và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Trước hết, phương thức xây dựng vùng chuyên canh tập trung theo hướng hàng hoá đã tác động mạnh mẽ đến tư duy kinh tế trong đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý và đông đảo quần chúng nhân dân vùng dự án.

Mặt khác, những kết quả đạt được của chương trình trồng cây cao su vùng Tây Bắc đã đem lại những tiến bộ nhiều mặt trong đời sống xã hội trên các địa bàn nông thôn vùng dự án.

Cán bộ cơ sở và nông dân được tiếp cận phương thức tổ chức sản xuất mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư thêm; công nhân và các hộ tham gia trồng cao su có thu nhập ổn định; thiết chế văn hóa nông thôn được tăng cường một bước…

Sau thời gian thí điểm từ năm 2007, ba năm qua cây cao su đã được triển khai trồng đại trà tại vùng Tây Bắc. Dự kiến hết năm 2010, diện tích trồng cây cao su của cả vùng Tây Bắc sẽ đạt khoảng 42.000 ha trong đó 7 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ) có diện tích cao su trồng mới đạt trên 20.000 ha.

Nhìn chung, cao su mới trồng sinh trưởng khá tốt, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt dự kiến, nhiều nơi không thua kém các vùng cao su truyền thống ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Qua đợt rét hại lịch sử cuối năm 2008, đầu năm 2009, một số giống cao su vẫn sinh trưởng bình thường.

 

Chiều 17/8, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đi thăm thực địa diện tích trồng cây cao su tại xã Mường Pồn và xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Giải quyết những vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng những kết quả đạt được trong chương trình trồng cây cao su tại các địa phương vùng Tây Bắc đang mở ra một hướng mới cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lưu ý, lần đầu tiên tổ chức trồng cao su hàng hoá với quy mô lớn ở địa bàn vùng cao có nhiều đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nên chắc chắn sẽ có những vấn đề nới nảy sinh.

Vì vậy, việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc cần phải có những bước đi phù hợp, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt phải đảm bảo được hiệu quả bền vững của cây cao su.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương có diện tích trồng cao su trong vùng Tây Bắc cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện việc khảo sát, xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn, làm căn cứ khoa học và pháp lý cho việc tổ chức trồng cao su, đảm bảo phát triển nhanh và hiệu quả bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách mới như chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề trồng cao su, hỗ trợ đo đạc, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất giống cao su, hỗ trợ công tác khuyến nông...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su và các Viện khoa học về cao su nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn bộ giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở mỗi tiểu vùng.

Căn cứ tiến độ trồng và kiến thiết cơ bản các vùng cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su phối hợp với các địa phương chủ động quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến một cách đồng bộ.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lưu ý, các địa phương trong vùng Tây Bắc cần hết sức chủ động trong việc tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút nguồn lực của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ liên kết, hợp tác bền chặt với các tổ chức kinh tế và hộ nông dân.

Bên cạnh đó, phải vừa phát huy động lực của cơ chế kinh tế thị trường, vừa chú ý đúng mức đến phong tục, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao vốn chưa có nhiều tác phong công nghiệp và kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất hàng hóa, để có giải pháp phù hợp nhằm giúp chương trình phát triển cây cao su vùng Tây Bắc đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Chinhphu.vn