Quốc hội xem xét Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

22/10/2019 10:32 AM


Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội xem xét vào sáng 22/10 tại phiên họp toàn thể ở hội trường.

Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội xem xét vào sáng 22/10 tại phiên họp toàn thể ở hội trường.

Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 10 chương, 134 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK; quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK.

Đối tượng áp dụng của luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên TTCK Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK Việt Nam.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng.

UBTVQH cho rằng việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô TTCK. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng.

UBTVQH tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một số ý kiến đề nghị mô hình UBCKNN cần độc lập và trực thuộc Chính phủ; một số ý kiến khác nhất trí giữ mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động.

UBTVQH thấy rằng việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Về việc tăng thêm thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập của UBCKNN: Dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Về xử lý vi phạm, có ý kiến đề nghị đối với những hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán đã được Bộ luật Hình sự quy định thì mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính về hành vi này không được cao hơn mức phạt tiền tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

UBTVQH cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định nguyên tắc mức phạt tiền tối đa đối với một vi phạm hành chính phải thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với vi phạm tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Mặt khác, một số ngành, lĩnh vực có mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính gần tương đồng với lĩnh vực chứng khoán như ngân hàng, tín dụng, thăm dò, khai thác dầu khí, bảo vệ môi trường thì quy định về mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi vi phạm hành chính hiện cao hơn mức phạt tiền tối thiểu cùng được quy định đối với hành vi vi phạm này tại Bộ luật Hình sự.

Sau khi nghe Báo cáo, Quốc hội đã thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Theo Chinhphu.vn