Phát triển KT hợp tác: Áp đặt hành chính sẽ không thành, buông lỏng càng bết bát

15/10/2019 07:42 AM


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nhiều nơi cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm tới phát triển kinh tế hợp tác, trong khi đây là thành phần kinh tế quan trọng, không chỉ có chức năng kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị ở địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nhiều nơi cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm tới phát triển kinh tế hợp tác, trong khi đây là thành phần kinh tế quan trọng, không chỉ có chức năng kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị ở địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Thành Chung
Như tin đã đưa, sáng 14/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương, hiệp hội và hợp tác xã (HTX) đã kiến nghị tới Chính phủ, Quốc hội bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, địa vị pháp lý của mô hình tổ hợp tác... để phát triển thành phần kinh tế này trong giai đoạn tới theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-TW về phát triển kinh tế hợp tác.

Tại Diễn đàn, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX, tới nay cả nước đã có 57/63 tỉnh, thành phố tiến hành tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13 của Trung ương.

Với hai mục tiêu chính của Nghị quyết 13 là đưa kinh tế tập thể thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và phấn đấu thành phần kinh tế tập thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và tiến tới có tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng sản phẩm quốc dân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tới nay, cả nước đã đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém.

Cụ thể, tỉ lệ phát triển HTX kiểu mới tăng mạnh qua từng năm gần đây. Đặc biệt, có tới 57% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tỉ lệ này là từ 50-80% tuỳ từng lĩnh vực.

So sánh với khu vực doanh nghiệp, hiện cả nước có 50% tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận và có thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới kết quả tích cực của việc triển khai Nghị quyết 13 khi đây là khu vực kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn để phát triển.

Mục tiêu thứ 2 của Nghị quyết số 13 chưa đạt là tỉ trọng của HTX cao hơn và tỉ trọng ngày càng lớn trong GDP. Năm 2013, kinh tế hợp tác đóng góp quy mô 7,49% GDP thì hiện nay chỉ có 4% GDP. Nguyên nhân là do các thành phần kinh tế khác đều tăng trưởng mạnh ở số tuyệt đối và tương đối, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ. Hơn nữa, hơn 80% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn có tốc độ tăng trưởng thấp so với các khu vực khác.

Mặc dù ghi nhận nhiều thành quả quan trọng mà kinh tế hợp tác đạt được trong những năm gần đây nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm nhiều đến kinh tế hợp tác”.

Thứ nhất, cần nhận thức hiệu quả của kinh tế hợp tác không phải chỉ là hiệu quả hoạt động của HTX mà còn là hiệu quả cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra để gia tăng lợi ích cho kinh tế hộ. Thứ hai, nói HTX, nhiều nơi, nhiều người mới nghĩ tới HTX nông nghiệp, không quan tâm nhiều tới HTX phi nông nghiệp; nói tới kinh tế tập thể chỉ nói tới HTX chứ không đề cập tới tổ hợp tác.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là thành phần kinh tế và mô hình kinh tế khác so với HTX. Luật HTX cho phép HTX được thành lập doanh nghiệp nhưng không cho phép HTX phát triển thành doanh nghiệp. HTX là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ đóng góp kinh tế đơn thuần cho xã hội mà còn ổn định về chính trị, an sinh xã hội, không chỉ đáp ứng doanh thu cho HTX mà còn cho từng thành viên”.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết: “Nhiều địa phương vẫn còn “ám ảnh” mô hình HTX kiểu cũ, không còn phù hợp với tình hình mới hiện nay. Do vậy, có nơi áp đặt phát triển HTX bằng mệnh lệnh hành chính thì không thành công. Nhưng địa phương nào mà buông lỏng thì HTX càng bết bát”.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, đại diện cho một địa phương có nhiều kết quả tích cực về HTX: “Nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm thì HTX phát triển và ngược lại, không quan tâm thì HTX gặp nhiều yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ phê bình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... vắng mặt tại Diễn đàn trong khi đây là hai cơ quan có liên quan nhiều tới định hướng chính sách đặt ra tại Nghị quyết số 13 của Trung ương về phát triển kinh tế hợp tác.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát, đánh giá lại thể chế, luật pháp đối với kinh tế hợp tác, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cả tổ hợp tác; vấn đề xử lý tài sản không chia; trách nhiệm phát triển HTX của các thành viên và của doanh nghiệp; kiểm toán HTX; đào tạo nguồn nhân lực quản trị HTX...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao cho các thành viên của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX xác định rõ từng vấn đề cụ thể, xác định hướng sửa, thời hạn sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

“Các chính sách chưa đi vào cuộc sống vì chưa tiệm cận được với cơ chế thị trường. Nhưng không để có việc lập ra HTX để chờ đợi chính sách ưu đãi của Nhà nước mà không chủ động vươn lên. Nhà nước sẽ hỗ trợ nhưng theo các nguyên lý của thị trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác.

Theo Chinhphu.vn