Địa phương cần có chính sách đặc thù phát triển HTX phi nông nghiệp

01/10/2019 07:34 AM


Sáng 30/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX trong lĩnh vực phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp.

Sáng 30/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX trong lĩnh vực phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung

Đây là lần đầu tiên cả nước triển khai tổng kết, đánh giá về hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp sau khi có Nghị quyết 13, là bước quan trọng tiến tới tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung.

Tham dự Hội nghị còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND các địa phương và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Cấp uỷ, chính quyền vào cuộc thì KTTT phát triển

Nhìn lại thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết 13 ban hành năm 2002 nêu: “KTTT hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại hạn chế...”. Tới năm 2013 sau khi cả nước tổng kết 10 năm thực hiện phát triển KTTT, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56 vẫn còn đánh giá “KTTT vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài” với chỉ 15% tổng số hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, cá biệt có nơi chỉ 10%.

Với kết quả hoạt động hiện nay của KTTT, Phó Thủ tướng nhận định: “HTX đã thoát khỏi tình trạng yếu kém và chất lượng, số lượng được nâng lên”. Nguyên nhân là do sự quan tâm, vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các địa phương trên cả nước trong quyết liệt cụ thể hoá, triển khai Nghị quyết của Trung ương.

Cụ thể, số lượng Tổ hợp tác (THT) tăng 14% sau 15 năm, từ 56.338 THT năm 2003 lên 64.081 THT năm 2018, chiếm 65% tổng số THT (nông nghiệp và phi nông nghiệp) và có 665.271 thành viên. Hiện nay, 79% THT hoạt động mang lại hiệu quả cho thành viên.

Còn HTX, cả nước đang có 8.744 HTX phi nông nghiệp, tăng hơn 2 lần so với năm 2003 và chiếm tỉ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế. Cuối năm 2018, số HTX này có 3,1 triệu thành viên, tăng 3 lần. Vốn điều lệ bình quân 1 HTX (trừ quỹ tín dụng nhân dân) là 1,85 tỷ đồng, gấp 6 lần so với HTX nông nghiệp. Với 1,7 triệu lao động thường xuyên, HTX phi nông nghiệp đã chi lương trung bình 60 triệu đồng/người, cao gấp 1,5-2 lần so với HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, dựa vào thực tiễn của đất nước và bài học của các quốc gia trên thế giới, KTTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với vị thế và vai trò vốn có đối với nền kinh tế quốc dân. Số lượng HTX nhiều nhưng đa phần manh mún, nhỏ lẻ ,chưa đúng với xu hướng ở các nước khác và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “HTX là hợp sức hợp vốn”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vẫn còn những nhận thức khác nhau về HTX khi có nơi coi HTX là doanh nghiệp, có nơi coi là tổ chức kinh tế-xã hội. Cho rằng đó là sự lúng túng về địa vị pháp lý của HTX, Phó Thủ tướng nhấn mạnh HTX hoạt động theo Luật HTX (ngoại trừ yếu tố tiếp cận tín dụng bình đẳng như doanh nghiệp theo Nghị quyết 13-PV).

Ảnh: VGP/Thành Chung

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương và Liên minh HTX Việt Nam nghiên cứu chỉnh sửa Luật HTX năm 2013 theo hướng tăng cường trách nhiệm của các thành viên trong HTX về phát triển tài sản không chia, phát triển thành viên…

Các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các chính sách đất đai, tín dụng, cơ sở hạ tầng, tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ… để thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn trong thực tiễn, tạo ra sức bật mới cho các HTX và các thành viên.

Về quy định cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho khách hàng không phải là thành viên của HTX không qua 50% tổng giá trị cung ứng của HTX (Quy định tại Nghị định 107/2017/NĐ-CP), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải xem lại quy định này. “Tôi cho rằng các dịch vụ, hàng hóa trước hết để thoả mãn nhu cầu nội bộ HTX trước. Còn nếu dư thừa thì hoàn toàn có thể cung cấp ra bên ngoài nhằm tạo ra nguồn lực giúp HTX thực hiện chức năng kinh tế-xã hội của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT, HTX, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý Nhà nước…

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển HTX phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các gian hàng tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung

50-83% HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Tại Việt Nam, KTTT phi nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải đường bộ, môi trường, thương mại và trong lĩnh vực dịch vụ (y tế, giáo dục, đào tạo việc làm,  nhà ở…).

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Văn Thịnh cho biết phần lớn HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đạt tỉ lệ 50-83% tổng số HTX trong từng loại hình, cao hơn so với HTX nông nghiệp. Bình quân 1 HTX có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi khoảng 500 triệu đồng, tăng 2-5 lần so với năm 2003.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết khu vực KTTT bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, được tổ chức tín dụng xem xét cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2003-2018, doanh số cho vay đối với khu vực KTTT đạt 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.610 tỷ đồng. Nếu như năm 2003, dư nợ cho vay đối với khu vực KTTT mới đạt 910 tỷ đồng với 787 khách hàng còn dư nợ thì đến năm 2018, dư nợ tín dụng đã tăng lên 6.269 tỷ  đồng (gấp 6,88 lần) với 1.808 khách hàng còn dư nợ.

Khẳng định KTTT, HTX là các thành phần quan trọng của nền kinh tế, Giám đốc phát triển HTX Hà Lan cho biết nước này có 2.500 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp nhưng đóng góp tới 18% vào GDP quốc gia. Dân số Hà Lan chỉ 17 triệu nhưng có đến 30 triệu thành viên HTX, nghĩa là trung bình mỗi người dân là thành viên của 1,7 HTX.

HTX bò sữa Friesland Capina với sản phảm Cô gái Hà Lan bắt đầu từ một quy mô rất nhỏ nhưng sau khi hợp tác, sáp nhập, đến nay trở thành tập đoàn quốc tế, sản xuất 10,4 tỷ kg sữa/năm.

Theo Chinhphu.vn