Phó Thủ tướng: Đắk Lắk là địa bàn ‘chiến lược của chiến lược’
16/09/2019 08:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên.
Sáng 15/9, tại thành phố Buôn Ma Thuật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới, phát triển các nông lâm trường.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 9 tháng, tổng sản phẩm xã hội của Đắk Lắk ước đạt 36.700 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2019 tốc độ tăng trưởng sẽ khoảng 9%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn đã đạt trên 4.900 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch Trung ương giao, cao hơn bình quân chung cả nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, hướng phát triển của Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch. Ngành nông nghiệp của Đắk Lắk tăng trưởng cao ở mức 4,2% với nhiều ngành hàng đứng đầu cả nước như cà phê, tiêu, sắn... Số lượng HTX hoạt động hiệu quả trên 70%, đóng góp 13% trong GRDP của tỉnh là mức rất cao.
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới của Đắk Lắk chậm so với tỉnh khác và khu vực khác khi mới đạt hơn 28% số xã nông thôn mới và bình quân tiêu chí nông thôn mới được 14,08 tiêu chí, thấp hơn bình quân cả nước là 15,02 tiêu chí.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông đánh giá tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao với 8,31% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 66%.
Để góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, ông Hà Công Tuấn đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí 400 tỷ đồng còn lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 cho Đắk Lắk.
Trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết Đắk Lắk là địa phương có nhiều công ty loại này nhất cả nước với 25 công ty thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 21 đơn vị thuộc các công ty nông lâm nghiệp Trung ương.
Ông Hà Công Tuấn thẳng thắn cho biết Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 17 công ty và 2 chi nhánh ở Đắk Lắk nhưng hiện nay chưa hoàn thành sắp xếp. 6 công ty nông lâm nghiệp khác có 100% vốn nhà nước giữ 64.000 ha rừng tự nhiên nhưng chưa thay đổi gì về quản trị.
9 công ty nông lâm nghiệp chuyển sang mô hình công ty 2 thành viên thì đã chuyển được 7 công ty và cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị tỉnh cần báo cáo thêm về tình hình quản lý đất đai, xác định giá trị tài sản trên đất góp vào công ty 2 thành viên, việc xử lý các hộ nhận khoán và các vướng mắc trong hoạt động.
Bên cạnh đó, để giải thể 3 công ty là cà phê Buôn Ma Thuật, Dray H’ling và Cà phê-ca cao Krong Ana hay xử lý vướng mắc trong giải thể của các công ty nông lâm nghiệp khác trên cả nước do không thể thu hồi công nợ, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để xử lý vướng mắc này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc Đắk Lắk hoàn thành sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các công ty nông lâm nghiệp có ý nghĩa đối với cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cho rằng diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp giữ lại trên địa bàn vẫn còn cao, chiếm 82,6%, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát lại số này và thúc đẩy việc ban hành phương án sử dụng đất nông lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Về định hướng phát triển Đắk Lắk trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, nếu Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên dựa trên thế mạnh về sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch và bảo tồn văn hoá truyền thống.
Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tập trung làm tốt hơn nữa việc phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khi tốc độ phát triển doanh nghiệp chỉ đứng thứ 36/63 trên cả nước, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy nhanh tốc độ phủ rừng (mới đạt thấp 43% diện tích, bao gồm cả cao su- PV).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Tây Nguyên và Đắk Lắk.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phê duyệt phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để Đắk Lắk sử dụng kịp thời cho xây dựng nông thôn mới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho ý kiến vào các kiến nghị cụ thể của Đắk Lắk về bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí lại dân cư,...
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...