ĐBSCL nghiên cứu trữ nước liên vùng, gắn với sinh kế người dân
29/08/2019 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tài nguyên nước tại ĐBSCL đang rơi vào thế bị động trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó với hạn mặn gặp rất nhiều khó khăn.
Vẫn trữ nước cục bộ, nhỏ lẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, trữ nước ở ĐBSCL rất cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn, để phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mặn. Trữ nước ở ĐBSCL nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm việc trữ nước làm chậm lũ, trữ nước mùa lũ dùng cho mùa khô, phân ranh mặn ngọt, trữ nước bằng các biện pháp công trình tại vùng nhiễm mặn…
Báo cáo nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ nước tại ĐBSCL, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước Nguyễn Anh Đức cho biết, hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL tuy có nhiều nhưng hầu hết chưa hoàn chỉnh; các hệ thống liên vùng nên khó điều tiết nước và trữ nước; nguồn nước chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu phần lớn theo dòng chính chảy thẳng ra biển Đông mà khó có thể cấp vào đồng ruộng do địa hình bằng phẳng.
Trong thời gian qua, đã có các nghiên cứu liên quan đến vấn đề trữ nước ở ĐBSCL như: Nghiên cứu tiềm năng trữ nước ngọt trong mùa mưa, cấp nước cho mùa khô, kiểm soát mặn và phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện BĐKH - nước biển dâng; nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục BĐKH Nguyễn Tuấn Quang, đến nay ở khu vực này chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng mang tính liên ngành, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL. Các nghiên cứu, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ vùng nhỏ hoặc cục bộ, chưa thể hiện rõ khả năng liên kết vùng; đồng thời chủ yếu về số lượng nước mà chưa làm rõ được về chất lượng nước.
Từ thực tế đó, tài nguyên nước tại ĐBSCL đang rơi vào thế bị động trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn.
Trữ nước liên vùng gắn với sinh kế người dân
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để chủ động về nguồn nước, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL là điều rất cần thiết. Tuy vậy, chúng cần có chiến lược thực hiện một cách khoa học, dựa trên các đặc thù về nguồn nước, không gian và thời gian.
Thứ trưởng Lê Công Thành đã giao Cục BĐKH và Viện Khoa học Tài nguyên nước xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở ĐBSCL trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP, mang tính chất liên vùng, liên ngành. “Kết quả nghiên cứu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để phục vụ các nhà quản lý trong việc ra quyết định đối với vấn đề trữ nước ĐBSCL trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Hiến kế trữ nước cho vùng ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH cho rằng, với các đặc thù về nguồn nước và không gian, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải trả lời được chính xác các câu hỏi sử dụng hay tích trữ nguồn nước nào, ở đâu và khi nào để có thể sử dụng được một cách tối ưu các ưu thế đặc thù của điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL?
Theo PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL có thể gắn liền với sinh kế của người dân. Ví dụ như các khu hồ điều hòa chứa nước có thể kết hợp tạo không gian sinh thái kết hợp dịch vụ giải trí, mua bán, tạo công ăn việc làm cho người dân.Đồng thời, kết hợp nuôi trồng thủy sản và các loại rau màu thủy sinh cũng là một hướng tốt. Điển hình là tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thành công mô hình sen - cá - du lịch sinh thái.
“Vấn đề chúng ta cần lưu ý, việc đảm bảo cho đầu ra của các mô hình này được bền vững. Nếu chúng ta kiểm soát được tốt quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, sinh thái hay hữu cơ và tìm được thị trường tốt, thậm chí, giá trị sinh kế gia tăng đáng kể.Việc sản xuất thuận thiên, ít ảnh hưởng chất lượng môi trường cũng khiến cho chất lượng nước mặt của vùng ĐBSCL được cải thiện tốt hơn và sinh kế của người dân được bền vững hơn”, PGS Nguyễn Hiếu Trung khẳng định.
Trong tương lai dài hạn, khi kinh tế phát triển và điều kiện thời tiết thuận lợi, ĐBSCL có thể xây dựng các khu hồ điều hòa để trữ và bơm nước lũ và mưa vào các tầng chứa nước ngầm phục hồi nguồn nước này để những năm khô hạn, vẫn có nguồn nước ngầm này để ứng phó tức thì.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...