Khu vực miền núi phía bắc đã có 603 xã đạt chuẩn nông thôn mới
30/07/2019 01:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là con số được đưa ra tại buổi Họp báo về Hội nghị tổng kết 10 năm nông thôn mới khu vực miền núi phía bắc do Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức chiều 29/7 tại Hà Nội.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn các tỉnh miền núi phía bắc thay đổi rõ rệt. Người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao...
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015), không còn xã dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh miền núi phía bắc. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí, tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 4,14 tiêu chí so với năm 2015, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,16 tiêu chí.
Cung cấp thêm thông tin, đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết thêm, đến cuối năm 2015, cả nước có 5 tỉnh có xã trắng nông thôn mới thì khu vực miền núi phía bắc có 2 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng. Khu vực này thời điểm cuối năm 2015 có chưa được 100 xã, nhưng đến nay đạt con số hơn 600 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là con số cực kỳ ấn tượng.
Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2019, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 1 đơn vị cấp huyện đat chuẩn nông thôn mới. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có sức lan tỏa rất lớn, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng và bền vững.
Chia sẻ tại buổi Họp báo, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, thực hiện Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Chương trình) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía bắc tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 2-3/8/2019, dự kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Ông Trần Nhật Lam cho biết, theo kế hoạch, ngoài kết quả đạt được trong 10 năm qua của Chương trình, Hội nghị sẽ tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 ở cấp thôn, bản và phát triển du lịch cộng đồng cho vùng miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, ông Trần Nhật Lam cũng thông tin thêm về các nội dung liên quan đến chuyến đi thực tế tại Sơn La phản ánh kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở những xã đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế vùng miền, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.
Tại buổi họp báo, thông tin về việc xây dựng nông thôn mới ở các thôn bản, cũng như tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng ở khu vực này sẽ được thực hiện ra sao? vì sao trong chuyến đi thực tế tới đây, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương lại chọn Sơn La mà không chọn Hòa Bình cũng được các phóng viên báo chí đặt câu hỏi cho Văn phòng Điều phối.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nhật Lam cho hay, đây cũng là nội dung sẽ được đưa vào bàn trong thời gian tới, từ đó có cơ chế chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Về chuyến đi thực tế, việc lựa chọn Sơn La là do đây là 1 trong 14 tỉnh đi đầu trong khu vực miền núi phía Bắc về công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, thúc đẩy liên kết chuỗi nông sản và đã có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...