Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến chất lượng đào tạo

26/04/2019 07:56 AM


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Học viện Hành chính quốc gia cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc lấy người học là trung tâm, chất lượng đào tạo là trọng yếu. Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Học viện Hành chính quốc gia cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc lấy người học là trung tâm, chất lượng đào tạo là trọng yếu. Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm bộ phận một cửa của Học viện Hành chính quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chiều 25/4, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với Học viện Hành chính quốc gia sau 1 năm thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, TS. Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện cho biết Quyết định 05/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Học viện, cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng chiến lược, phát triển, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Quyết định 05/QĐ-TTg xác định những nhiệm vụ trọng tâm đối với Học viện trong thời gian tới, trong đó xác định hướng tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo chuyên sâu, sau đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống chính trị, khu vực hành chính công và xã hội; nghiên cứu khoa học và chính sách. Đây là cơ hội lớn để kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, tạo ra bộ máy phù hợp, năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Sau 1 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Học viện đã phối hợp với các Vụ chuyên môn của Bộ Nội vụ tổ chức xây dựng hệ thống kế hoạch thực hiện, báo cáo Bộ Nội vụ; tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án, nguyên tắc sắp xếp, bố trí viên chức lãnh đạo, quản lý, giảng viên và người lao động các đơn vị; ban hành 17 quyết định của Giám đốc Học viện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc và 14 quy chế quản lý nội bộ.

Đặc biệt, Học viện đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các đơn vị trực thuộc, giảm từ 22 đầu mối, đơn vị xuống còn 17 đơn vị. Các đơn vị bên trong của các đầu mối, đơn vị thuộc Học viện cũng đã giảm từ 96 đơn vị cấp phòng và tương đương xuống còn 92 phòng. Số viên chức và người lao động của Học viện từ tháng 3/2018 đến nay đã giảm 89 người, chiếm tỷ lệ 10,2% tổng số viên chức và người lao động (giảm 45 lao động hợp đồng, cho thôi việc 33 viên chức, chuyển công tác 9 viên chức, tinh giản 2 viên chức).

Tại cuộc làm việc, Học viện Hành chính quốc gia cũng đề xuất, kiến nghị một số vấn đề với Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 05/QĐ-TTg và từng bước nâng cao tự chủ của Học viện thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Người học là trung tâm, chất lượng là trọng yếu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương sự chủ động, kịp thời trong công tác và đánh giá cao kết quả mà Học viện đạt được sau một năm thực hiện Quyết định 05/QĐ-TTg.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh công cuộc cải cách hành chính đang được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành và các địa phương trong toàn quốc, trong đó có vai trò của Học viện là rất quan trọng. Học viện phải tích cực, chủ động gánh vác một phần trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thông qua chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học về quản lý công, chính sách công.

Để Học viện phát triển và thể hiện đầy đủ tính chất, vị trí của một đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Học viện tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, Học viện cần triển khai có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng, chủ động nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn các quy định, đề xuất chiến lược phát triển Học viện với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công, quản trị công, khoa học hành chính, chính sách… Xác định tầm nhìn 10 năm, 20 năm và xa hơn trong tương lai với khát vọng vươn lên thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực, đủ năng  lực đảm nhận những trọng trách lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, khẳng định vị thế không thể thay thế để mỗi lần nhắc đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cao, cấp chiến lược là nhắc đến Học viện Hành chính quốc gia.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc lấy người học là trung tâm, chất lượng đào tạo là trọng yếu. Mọi nỗ lực đổi mới cần hướng đến là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, quá trình đào tạo tại Học viện là quá trình phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, để người học có tâm lực, động lực cao hơn, tri thức và kỹ năng tốt hơn.

Gắn chương trình đào tạo với thực tiễn cuộc sống

 

Học viện cần đổi mới các chương trình, giáo án, tài liệu. Nội dung chương trình phải gắn kết với nhu cầu và thực tiễn, bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, trang bị những nền tảng cần thiết cho công việc trong tương lai. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng không chỉ tập trung vào tri thức mà còn phát triển kỹ năng, định hướng giá trị, thiết lập khát vọng tương lai cho đội ngũ cán bộ, công chức, gắn kết giữa nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo và xử lý tình huống thực tiễn. Học viện nghiên cứu, đề xuất tổ chức đào tạo chất lượng cao, bồi dưỡng tinh hoa về quản lý công, chính sách công cho cán bộ chiến lược các cấp.

Đồng thời, Học viện cần đặc biệt nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nâng cao tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm có giá trị sâu sắc.

“Học viện cần tiếp tục đổi mới dạy và học, cần có hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đủ mạnh. Do nhu cầu đổi mới sáng tạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là hết sức lớn lao, vì vậy, Học viện phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để có giải pháp thiết thực, trở thành nơi có đủ năng lực tổng kết thực tiễn, đúc kết thành lý luận để phục vụ lại thực tiễn. Các sản phẩm của Học viện phải kiến giải được các giải pháp về lập pháp, lập quy cho xây dựng chính sách”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thăm trường quay phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng từ xa của Học viện Hành chính quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhắn nhủ các học viên là cán bộ, công chức, viên chức cần nỗ lực hơn nữa tham dự các khoá học bồi dưỡng theo chức danh, theo ngạch, các khoá đào tạo sau đại học; cần tâm huyết, say mê hơn trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người có tầm nhìn sâu sắc, rộng mở, thực tiễn và năng động, cống hiến nhiều hơn nữa như lời Bác Hồ dạy “Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ”.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, với vị thế là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, tiếp nối truyền thống, tăng cường lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tham mưu và tư vấn chính sách, Học viện sẽ thể hiện xứng đáng vai trò và sứ mệnh trong sự nghiệp xây dựng nền hành chính kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần phát triển lực lượng khởi nghiệp cho quốc gia hiện tại và tương lai.

Theo Chinhphu.vn