Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI ‘thế hệ mới’
15/02/2019 08:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách thu hút FDI “thế hệ mới” được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển
Đây là chuyến khảo sát địa phương cuối cùng sau các đợt đi Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội để Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030 trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 4/2019.
Cùng tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của tỉnh uỷ, UBND, HĐND của hơn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía nam, các tổ chức tài chính, kinh tế của quốc tế và khu vực và hàng trăm doanh nghiệp FDI.
Việt Nam cần có phiên bản 2.0 về thu hút FDI
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng FDI tổ chức vào cuối năm 2018 đã khẳng định FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD.
Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2018. FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thế và lực của đất nước,… vị thế của Việt Nam trên thế giới. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều khẳng định FDI có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong những năm qua và đã thành công trong thu hút, sử dụng FDI. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết sau 30 năm, FDI đã phát triển song hành và góp phần phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân của thành phố. Hiện nay, vốn đầu tư của khối FDI chỉ bằng ¼ so với vốn đầu tư của khối tư nhân ở TPHCM, mức tăng trưởng vốn đầu tư của FDI chỉ khoảng 7,45 lần, thấp hơn mức tăng 33 lần của doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Thanh Liêm cũng khẳng định xu hướng hợp tác đầu tư, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp, dự án của các doanh nghiệp FDI cũng mang lại hiệu quả tích cực trong cơ cấu lại ngành nghề trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
“Nhiều doanh nghiệp FDI hợp tác với doanh nghiệp trong nước về phát triển bất động sản nhưng sau này, các doanh nghiệp bất động sản trong nước đã phát triển mạnh hơn và còn có thể mua lại các dự án của khối FDI. Tại TPHCM, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với khối FDI”, ông Liêm nói.
Trong thời gian tới, thành phố này sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, năng lực quản trị cao, tập trung vào lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo vào các khu công nghiệp công nghệ cao ở phía đông của thành phố. Ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi, đồng thời có chính sách tài chính, môi trường đầu tư tốt để thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở, các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết hiện nay FDI chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D),... Trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI “thế hệ mới”, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước và liên kết được 2 khối này với nhau.
Ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh: “Muốn có thế hệ FDI mới, đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra sự chuyển dịch thu hút chiến lược ở các khối ngành khác nhau, mang tính tổng thể chứ không căn cứ vào các doanh nghiệp FDI cụ thể. Ưu đãi từ thuế nên chuyển sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, chuyển từ cung cấp dịch vụ sang vừa cung cấp dịch vụ nhưng mang tính tập trung và thúc đẩy hơn việc bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tận dụng hiệu quả các hiệp định tự do thương mại”.
Cùng ý tưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc Youngsup Joo cho rằng Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là doanh nghiệp Việt Nam không còn là “nhà thầu phụ” nữa mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất và hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu.
Đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi chính sách pháp luật để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tăng cường đổi mới giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm chuyển giao công nghệ hiệu quả, lựa chọn dòng vốn FDI thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội,...
Việt Nam tiếp tục tăng cường thu hút, hợp tác với doanh nghiệp FDI
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đây sẽ là luận cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ nhiều vấn đề đặt ra trong thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới nhằm phát triển bền vững đô thị, khuyến khích chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TPHCM để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”; chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.
Giải pháp đặt ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước.
“Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...