Cần bồi dưỡng cán bộ về pháp luật, đạo đức công vụ, liêm chính

26/04/2018 09:47 AM


Đây là một trong các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức, ngày 24/4.

Đây là một trong các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức, ngày 24/4.

 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cá thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự ra đời của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ việc xây dựng thể chế đến các chương trình, đề án. Những kết quả đạt được đã góp phần trực tiếp vào công tác tổ chức thi hành pháp luật và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy vậy, công tác phổ biến, giáo dục vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục.

Bộ trưởng nhấn mạnh một số nội dung và cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu về các vấn đề này. Theo đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giao trách nhiệm chung cho cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả đạt được vẫn còn dàn trải, chưa được như mong muốn, do đó, cần phải tiếp tục tác động đến ý thức và nâng cao nhận thức về vai trò vị trí công tác này. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị trong khi nguồn lực có hạn mà phạm vi phổ biến, giáo dục pháp luật rộng.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cùng với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là các chương trình, đề án, trên cơ sở đó, cần đề ra kế hoạch và các giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện các chương trình, đề án đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng cũng đề nghị, với nguồn lực có hạn, cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn mới nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên cuốn hút và việc tổ chức hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Về các thiết chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị, trước tiên cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nghiên cứu và cần phải tinh chỉnh được đội ngũ này. Đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ này phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình.

Đề cập đến việc thiết kế các chương trình phổ biến, giáo dục tiếp theo, Bộ trưởng cũng đã lưu ý đến việc thiết kế chương trình cho các đối tượng ưu tiên và yếu thế.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả để mọi người biết đến nhiều hơn. Đồng thời, cần phải xác định tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không chỉ trong Ngày Pháp luật 9/11 hằng năm mà phải thấm nhuần trong cuộc sống và coi đây là công việc hằng ngày của người dân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Xác định đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật “đúng, trúng”

Trong Báo cáo tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực triển khai, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được hoàn thiện; các chương trình, đề án, kế hoạch trung hạn, dài hạn và hằng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành và triển khai thực hiện trong cả nước để tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt vấn đề: “Người dân bình thường không hiểu pháp luật vi phạm đã đành, nhưng cán bộ Nhà nước thực thi công vụ mà vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng thì cần tìm giải pháp”.

Từ kinh nghiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Huyên cho rằng, cần đổi mới nội dung trong công tác bồi dưỡng cán bộ, coi việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đạo đức là bắt buộc.

“Có những cán bộ cao cấp phạm pháp, cả nước đều biết. Họ quá hiểu pháp luật nhưng họ thiếu về đạo đức, không được bồi dưỡng, trau dồi đạo đức thường xuyên. Do đó, bồi dưỡng phải trúng đối tượng, đối tượng nào cần bồi dưỡng, bồi dưỡng cái gì họ cần”, ông Huyên nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là phạm nhân, đối tượng bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, mỗi năm Bộ Công an cũng tổ chức 10 Hội nghị tập huấn diện rộng và tập huấn chuyên sâu cho lực lượng công an.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Hội Luật gia Việt Nam thì đề xuất, bên cạnh việc xây dựng “xã hội học tập” trong nhân dân, đối với đội ngũ cán bộ cũng cần xây dựng nền hành chính - tư pháp trong sạch, liêm chính, nghiêm minh.

Cơ bản nhất trí với nội dung trong báo cáo dẫn đề, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật đã tương đối đầy đủ, do đó cần tập trung vào việc tổ chức thực hiện pháp luật. Về hạn chế và nguyên nhân, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung vào nguyên nhân chủ quan và tìm ra giải pháp để khắc phục.

Ở góc độ địa phương, ông Đinh Xuân Quang (Sở Tư pháp Thái Nguyên) không đồng tình ý kiến cho rằng vi phạm pháp luật do công tác tuyên truyền kém. Như việc đội mũ bảo hiểm ai cũng biết nhưng có người vẫn cố tình vi phạm.

Ông Quang ví von, tuyên truyền pháp luật như “cho ăn đúng món”, với cách tiếp cận nhiều chiều. Đó là, tăng cường tập huấn phương pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật; quy định cụ thể, tăng cường vai trò của người đứng đầu, chịu trách nhiệm tuyên truyền pháp luật trong ngành mình quản lý.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm vững pháp luật; đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến tuyên truyền miệng; xây dựng tài liệu tuyên truyền phù hợp; cần chú ý nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.

Theo Chinhphu.vn