Sơn La nên coi đầu tư cho lâm nghiệp để tạo đột phá
14/07/2017 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sơn La cần đầu tư mạnh cho lâm nghiệp, coi đây là lĩnh vực chủ công, tạo đột phá của tỉnh nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La về tình hình tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày 12/7.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La thông báo tin vui là 6,8 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La đã xuất khẩu sang Australia, dự kiến trong tháng 7/2017 xuất khẩu 15 tấn và năm 2018 mở rộng xuất khẩu thêm nhãn quả sang các thị trường khác.
Hiện cả tỉnh Sơn La đang trồng 5.500 ha xoài. Các loại quả như nhãn, bơ cũng có tiềm năng phát triển tốt và có khả năng xuất khẩu. Đến hết tháng 6/2017, tỉnh Sơn La có 35.628 ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm là 4.154ha.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tỉnh Sơn La có 4 loại cây ăn quả chủ lực trong số 12 cây ăn quả chủ lực của cả nước, trong đó có bơ và xoài Yên Châu được đánh giá cao. Sơn La cần đầu tư cho việc liên kết, tiêu thụ và chế biến sâu trái cây.
Nói về định hướng tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp Sơn La thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng tỉnh cần chú trọng phát triển lâm nghiệp và có chiến lược bảo vệ rừng bền vững. Sơn La cần đầu tư vào lâm nghiệp, coi đây là lĩnh vực chủ công, tạo đột phá của tỉnh nói riêng cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Hiện nay, Sơn La có 598.997 ha rừng, độ che phủ đạt 42,49%; mục tiêu đến năm 2020 diện tích rừng của tỉnh đạt 702.799 ha, độ che phủ đạt 50%. Diện tích rừng Sơn La và các tỉnh miền núi phía bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ, lưu vực sông Đà, sông Mã và các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình.
Cùng với lâm nghiệp, theo Bộ trưởng, chăn nuôi phải là một ngành chính trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La nhằm tận dụng nguồn cung cấp ngô tại với sản lượng khoảng 700.000 tấn có hiệu quả hơn, thay vì phải bán với giá rẻ như hiện nay. Những đối tượng chăn nuôi mà tỉnh Sơn La nên chú trọng là bò (sữa, thịt), lợn (giống địa phương), dê... Việc phát triển chăn nuôi này cũng sẽ phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Một lĩnh vực khác Sơn La cũng cần quan tâm phát triển là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khi có 25.000 ha diện tích mặt nước. Đối với các cây công nghiệp như cây cà phê và cây chè, tỉnh La cần tập trung vào lĩnh vực chế biến, đi sâu vào sản xuất hữu cơ. Về cây ăn quả, tỉnh Sơn La cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng một cách hợp lý, áp dụng công nghệ cao từ khâu giống đến quy trình sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ... “Vấn đề là không cần trồng nhiều cây mà là phải làm ra tấm ra món, lựa chọn ít cây, con nhưng làm thành vùng lớn, quy hoạch gọn, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Theo Chinhphu.vn
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...