Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiệm vụ năm 2012

10/02/2012 09:36 AM


Ngày 9/2, tại TP. Hạ Long, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ngày 9/2, tại TP. Hạ Long, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ ngành VHTT&DL tập trung cho các nhiệm vụ cơ bản, phối hợp, lồng ghép trong phát triển, thể hiện rõ tính đa ngành và tính liên ngành. Ảnh: Chinhphu.vn

Năm 2011, ngành VHTT&DL đạt được kết quả tích cực

 

Theo đó, các đề án, chiến lược, chương trình lớn của ngành tiếp tục được ban hành và triển khai thực hiện; hệ thống thiết chế văn hoá tiếp tục được củng cố, hoàn thiện; đời sống văn hoá từ nông thôn đến thành thị chuyển biến tích cực; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em được coi trọng.

Nhiều di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được vinh danh trên thế giới. Khu di tích thành nhà Hồ, hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hoạt động văn hóa-nghệ thuật được tổ chức sôi nổi trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

Thể thao Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 trong khu vực, một số môn thể thao đạt trình độ châu Á và thế giới. Nhiều vận động viên đạt thành tích cao trong các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế, đạt chuẩn tham dự Olympic London 2012, phong trào thể thao quần chúng ngày càng được quan tâm nhiều hơn và phát triển mạnh hơn... 

Du lịch tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước được tổ chức rộng khắp, hiệu quả. Cuộc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long nhận được sự hưởng ứng của các Bộ, ngành địa phương ở trong và ngoài nước và bạn bè quốc tế đã giúp Vịnh Hạ Long được đưa vào danh sách là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của Thế giới. Ngành du lịch đã thu hút trên 6 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu hơn 130.000 tỷ đồng, đóng góp trên 5% vào GDP.

Những tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục

Tuy nhiên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch còn bộc lộ một số hạn chế chưa thể khắc phục một sớm, một chiều.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn, trong bối cảnh ngân sách dành cho các lĩnh vực hoạt động Ngành vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển của Ngành, một số dự án, công trình thiết chế của ngành bị tiết giảm chưa hợp lý dẫn đến không kịp hoàn thành tiến độ dẫn tới lãng phí. Việc tham mưu xây dựng văn bản, đề án còn chậm, một số lĩnh vực vẫn thiếu các quy định, văn bản quản lý để điều chỉnh xuất hiện bất cập và chưa được sửa đổi kịp thời. Ngành vẫn chưa có chiến lược tổng thể quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên ở tuyến cơ sở còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với sự cống hiến. Công tác thanh tra, kiểm tra vẫn mang tính thời vụ, hiệu quả răn đe, phòng ngừa chưa cao. Đặc biệt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có lúc, có nơi còn hình thức, chống lãng phí chưa cao. Năm 2011,  Bộ VHTT&DL đã để xảy ra thất thoát ngân sách ở một số đơn vị.

Sự phát triển văn hóa, nghệ thuật chưa tương xứng, hài hòa với sự phát triển của kinh tế xã hội, mức hưởng thụ văn hóa-nghệ thuật có sự cách biệt lớn giữa các khu vực đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp còn bất cập, bộc lộ sự buông lỏng trong quản lý. Một số lĩnh vực, khuynh hướng sáng tác, biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật còn có biểu hiện lệch lạc.

Công tác quản lý nhà nước đối với thể thao chuyên nghiệp đã xuất hiện nhiều bất cập. Các hiện tượng tiêu cực trong thi đấu thể thao, đặc biệt đối với bóng đá nam làm người hâm mộ thất vọng do sự yếu kém trong thi đấu và tổ chức, gây bức xúc trong dư luận.

Kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh công cộng còn nhiều bất cập. Đã xảy ra mốt số sự cố nghiêm trọng về mất an toàn du lịch đường thủy tại Hạ Long và Bình Dương. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm, đặc biệt là tại các dịp nghỉ lễ tái diễn kéo dài nhưng chưa ngăn chặn được.

Cần tập trung thực hiện một số yêu cầu cấp bách

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, năm 2012 là năm đánh dấu việc thực hiện đồng bộ các chiến lược của ngành đã được phê duyệt, Bộ VHTT&DL cần tính toán lộ trình phù hợp và việc thực hiện cần được đặt trong bối cảnh chung của cả giai đoạn đến năm 2015 và 2020, tập trung cho các nhiệm vụ cơ bản, các khâu đột phá và tăng cường sự chủ động, phối hợp, lồng ghép trong phát triển, thể hiện rõ tính đa ngành và tính liên ngành.

Bộ VHTT&DL sớm tổ chức triển khai hội  nghị giữa các tỉnh có những trung tâm du lịch lớn để kết nối trở thành chuỗi giá trị du lịch nhằm trở thành dòng chảy du lịch ổn định, phát triển bền vững. Trước mắt cần thí điểm tổ chức chuỗi du lịch tâm linh ở 4 địa phương Hà Nội (chùa Hương), Hà Nam (Tam Chúc – Ba Sao), Ninh Bình (chùa Bái Đính), Nam Định (quần thể di tích Đền Trần).

Về nguyên tắc xây dựng và sử dụng các nhà thi đấu đa năng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tận dụng tối đa, hiệu quả những cơ sở vật chất này. Tránh việc các nhà thi đấu xây tràn lan, không có quy hoạch theo kiểu mỗi tỉnh, thành phố có một nhà thi đấu, gây lãng phí.

Bộ VHTT&DL chuẩn bị xây dựng Đề án Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa từ nay đến năm 2020, coi đó là cơ sở quan trọng để đưa văn hóa của Việt Nam ra quốc tế, từ đó ngành văn hóa sẽ là sứ giả để tranh thủ tình cảm và sự hiểu biết của bạn bè thế giới đối với đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vai trò của ngoại giao văn hóa. Sớm trình đề án quy hoạch, sắp xếp lại cách tổ chức lễ hội trên cơ sở rà soát kỹ các lễ hội ở cấp cơ sở.

 

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Ngành cần quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đạt chất lượng cao, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Năm 2012, khẩn trương triển khai thực hiện Đề án đặt hàng sáng tác các tác phẩm  âm nhạc và nghệ thuật về đề tài cách mạng giai đoạn 1930-1975.

Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phảm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Tranh thủ tối đa khả năng và kinh nghiệm quý báu của nhóm đối tượng lao động nghệ thuật này.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu cân đối, tạo sự phát triển hài hoà, bền vững giữa kinh tế và văn hoá, rà soát cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phù hợp, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cho sự phát triển của văn hoá, thể thao và du lịch.

Theo Chinhphu.vn