Sớm có phương án tối ưu cho thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long

03/02/2012 07:12 AM


Các cơ quan hữu quan cần sớm có phương án tối ưu trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các chương trình, dự án ưu tiên để hoàn thiện hệ thống thủy lợi ĐBSCL phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Các cơ quan  hữu quan cần sớm có phương án tối ưu trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các chương trình, dự án ưu tiên để hoàn thiện hệ thống thủy lợi ĐBSCL phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

 

Sớm có phương án tối ưu cho thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long

 

Đó là chỉ đạo được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong cuộc họp hôm nay (2/2) với lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan khoa học thủy lợi về báo cáo đánh giá thực trạng, tác động và kế hoạch xây dựng phát triển hệ thống thủy lợi ĐBSCL – khu vực được đánh giá sẽ chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng thời gian tới.

ĐBSCL với 13 tỉnh có tổng diện tích 3,96 triệu ha, dân số 18 triệu người nằm trong lưu vực sông Mekong có vị trí rất quan trọng trong phát triển KT-XH đất nước. Khu vực này luôn đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực quốc gia và chiếm thị phần lớn trong nuôi trồng thủy hải sản.

Cùng với sự ưu đãi từ thiên nhiên, “vựa nông hải sản” ĐBSCL là kết quả của một loạt các chương trình, quy hoạch thủy lợi có tính đột phá, đặc biệt các dự án ngăn mặn, khử chua phèn, kiểm soát và sử dụng nước lũ...

Tuy nhiên, với những biến  động thiên nhiên và thị trường, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất với quy mô  lớn và rộng khắp đang đặt ra nhiều vấn đề cho ĐBSCL. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét, nhất là trên 2 yếu tố dòng chảy từ thượng lưu và nước biển dâng. Trong 10 năm qua, ĐBSCL đã xuất hiện 3 đợt lũ lớn liên tiếp từ năm 2000 đến 2012, 8 năm liền có lũ trung bình, nhỏ và lũ lịch sử trong năm 2011. Tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra với cường độ lớn và nhiều hơn. Với kịch bản nhiệt độ trái đất tăng, nước biển dâng đe dọa ngập từ 1/3-1/2 diện tích khu vực.

Điều này đang đặt ra cho các cơ quan quản lý, các nhà khoa học các bài toán mới trong việc quy hoạch, phát triển thủy lợi để góp phần đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng, chủ động cấp nước, tiêu thoát, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn cho gần 1,8 triệu ha đất lúa.

Dự án nghiên cứu tổng thể đang được các nhà hoạch định thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các Viện khoa học thủy lợi… nghiên cứu đã đưa ra một số vấn đề hiện trạng thủy lợi trong vùng, đặc biệt là việc tưới tiêu, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn và triều cường tại lưu vực các con sông chính như sông Tiền, sông Hậu, vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng bán đảo Cà Mau…

Từ đây, một số giải pháp quy hoạch mới  được đưa ra trên cơ sở dự báo xu thế  phát triển KT-XH, phát triển nông nghiệp trong vùng và  đặc biệt là ứng phó với BĐKH. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất những chương trình riêng cho các mục tiêu, các tiểu khu vực có đặc thù riêng…

Đặc biệt, tại cuộc họp lần này, các nhà nghiên cứu cũng tiếp tục đề xuất một số dự án quy mô lớn có tính đột phá như đê biển Gò Công, các cụm công trình cống cửa biển, tôn nền vượt lũ, công trình thoát lũ…

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là vấn đề thủy lợi của một khu vực nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KTXH cả nước, yêu cầu điều chinh quy hoạch, phát triển thủy lợi ĐBSCL là cần thiết và các cơ quan hữu quan cần sớm có phương án tối ưu trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, các chương trình, dự án ưu tiên để hoàn thiện hệ thống thủy lợi ĐBSCL phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng lưu ý do tính chất quan trọng và một số vấn đề lớn còn nhiều  ý kiến khác nhau nên nghiên cứu cần sự đánh giá, thẩm định chặt chẽ, chất lượng. Thay vì việc thẩm định, phản biện do cơ quan tư vấn, viện nghiên cứu đảm nhiệm hiện nay, cần thành lập Hội đồng thẩm định cấp bộ, tổ chức phản biện liên ngành, đặc biệt đối với các Dự án như đê biển Gò Công, cống cửa biển, tôn nền vượt lũ, xây dựng đê bao thoát lũ.

Theo Chinhphu.vn