Thành công tạo đà ổn định vững chắc

25/01/2012 06:50 AM


Năm 2011 đầy gian khó vừa đi qua. Năm 2012 tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước thềm năm mới, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch năm 2012, Chính phủ chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp lớn.

Năm 2011 đầy gian khó vừa đi qua. Năm 2012 tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước thềm năm mới, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch năm 2012, Chính phủ chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp lớn.

 

Ảnh minh họa

Nghị quyết 11 mang lại thành công

Nhìn lại đầu năm 2011, kinh tế thế giới chịu nhiều tác động đe dọa tiến trình phục hồi tăng trưởng và ổn định. Trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh, giá cả và các nguyên liệu đầu vào gia tăng. Trước thực tế khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đây là quyết sách kịp thời và đúng hướng của Chính phủ, nhờ đó kinh tế xã hội của cả nước đã khắc phục được những khó khăn chồng chất, từng bước ổn định vĩ mô. Trước hết, nhờ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý theo tinh thần Nghị quyết 11 nên tổng dư nợ tín dụng năm 2011 ước tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%.

Vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm tỷ lệ vốn vay của khu vực phi sản xuất, lãi suất có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Cán cân tổng thể thặng dư 3,1 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt kế hoạch, đáp ứng các nhu cầu chi, trả nợ và giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống còn 4,9% GDP.

Thực hiện mạnh mẽ chủ trương cắt giảm đầu tư công, không khởi công mới, rà soát cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tín dụng đầu tư. Kết quả là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm từ 41,9% GDP năm 2010 xuống còn 34,5% GDP năm 2011; vốn đầu tư công giảm trong tổng đầu tư xã hội từ 34,6% năm 2010 xuống còn 31,2% năm 2011. Các dự án hoàn thành năm 2011 là 4.400 dự án, tăng thêm 1.053 dự án so với dự kiến.

Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010. Nhập siêu giảm mạnh, cả năm chỉ khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu đề ra (không quá 18%), góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.

Lạm phát dần được kiểm soát từ tháng 5/2011, tốc độ tăng của chỉ số hàng tiêu dùng giảm dần. Trong 5 tháng cuối năm, lạm phát chỉ tăng ở dưới mức 1%. Cụ thể, tháng 8 tăng 0,93%; tháng 9 là 0,82%; tháng 10 là 0,36%; tháng 11 là 0,36%; tháng 12 là 0,52%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 so với cùng kỳ ước tăng khoảng 18%. Nợ công được giữ ở mức an toàn, cuối năm 2011 ước khoảng 54,6% GDP. Ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 đạt gần 6%. Quy mô nền kinh tế ước đạt 119 tỷ USD, với mức GDP bình quân đầu người ước đạt 1.355 USD/người.

Đời sống người dân được chăm lo, chi ngân sách nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20%, và dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 ước giảm 2%. Tạo việc làm mới cho gần 1,6 triệu người.

 

Ảnh minh họa

Dồn sức cho mục tiêu năm 2012

Năm 2012 kinh tế Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, do nền kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, lạm phát và lãi suất còn ở mức cao, tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Vì thế, mục tiêu tổng quát năm 2012 Chính phủ đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Đồng thời, năm 2012 lại là năm đặc biệt khó khăn và nền kinh tế phải phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình nhằm ổn định vững chắc, tránh không để lạm phát "khứ hồi". Điều này sẽ giúp khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát đủ mức giúp các doanh nghiệp "trụ" vững.

Năm 2012 cũng là năm thực sự tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng. Chính vì thế, nhiều mục tiêu phải hạn chế lại để dồn sức thực hiện mục tiêu lớn hơn...

Đối với các doanh nghiệp, để tồn tại và khắc phục những thách thức đến từ môi trường vĩ mô, chắc chắn các doanh nghiệp cần có một lộ trình và giải pháp phù hợp nhằm phát triển bền vững như nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, phân khúc thị trường hoặc xây dựng những giải pháp thương hiệu phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, trong số các nhiệm vụ quan trọng thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 6% để điều hành, vì vậy trên từng địa bàn có rất nhiều việc cần lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo, tìm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... Tinh thần chung là xông vào cùng với doanh nghiệp tính toán tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ” - Thủ tướng Chính phủ nói.

Theo đó, cần tra xét lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính, tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm. Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế các nước trong khu vực, đặc biệt là tăng cường hơn nữa việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường mới nổi như châu Phi, Mỹ la tinh...

Dự kiến, GDP năm 2012 tăng trưởng khoảng 6-6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tiếp tục nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ; thực hiện từng bước tái cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tăng cường và phát huy hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao hiệu quả hội nhập; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và dự báo phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; tăng cường công tác thông tin./.

Theo Chinhphu.vn