Giám định mức suy giảm khả năng lao động của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

24/05/2010 07:51 AM


Theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05 tháng 4 năm 2010 của Bộ Y tế, giám định mức suy giảm khả năng lao động của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm việc lập hồ sơ, trình tự khám giám định y khoa cho người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05 tháng 4 năm 2010 của Bộ Y tế, giám định mức suy giảm khả năng lao động của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm việc lập hồ sơ, trình tự khám giám định y khoa cho người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu trước tuổi quy định và thân nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị suy giảm khả năng lao động.

Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 2 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006; các khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 2 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ. Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hằng tháng.

Thân nhân của người lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: Thân nhân của người lao động tham gia BHXH bắt buộc từ đủ mười lăm năm trở lên nhưng chưa hưởng trợ cấp BHXH một lần mà bị chết; thân nhân của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng mà bị chết; thân nhân của người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà bị chết; thân nhân của người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo qui định tại Khoản 1 Điều 64, khoản 3 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội.

Khám giám định mức suy giảm khả năng lao động của người tham gia BHXH bắt buộc và thân nhân của người lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm:

- Khám giám định lần đầu: là giám định mức suy giảm khả năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động lần đầu, bị bệnh nghề nghiệp lần đầu chưa khám giám định lần nào; người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và thân nhân của người tham gia BHXH bắt buộc hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

- Khám giám định lại (tái phát): là giám định mức suy giảm khả năng lao động từ lần thứ hai đối với người lao động bị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp đã được giám định, sau đó tái phát đã được điều trị ổn định.

- Khám giám định tổng hợp: là giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi người lao động thuộc một trong các trường hợp vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp; bị tai nạn lao động nhiều lần; bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

- Khám giám định khiếu nại (phúc quyết): là giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi có khiếu nại của người được giám định, hoặc có khiếu nại, tố cáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với quyết định của Hội đồng giám định Y khoa (GĐYK).

Đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 01/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được giám định mức suy giảm khả năng lao động như các trường hợp khám giám định thực hiện chế độ hưu trí. Hội đồng GĐYK căn cứ Biên bản GĐYK lần đầu, các giấy tờ điều trị hợp lệ để khám giám định đối với các đối tượng này.

Người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có trách nhiệm yêu cầu người lao động hoặc thân nhân người lao động (đối với các trường hợp khám để thực hiện chế độ tử tuất) nộp các giấy tờ có liên quan, lập, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế và chuyển hồ sơ giám định của người lao động hoặc thân nhân người lao động đến Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương. Trong quá trình lập hồ sơ khám giám định, cơ quan, cá nhân lập hồ sơ giám định phải kiểm tra, đối chiếu chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác của người đi giám định với các giấy tờ trong hồ sơ giám định.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ giám định hợp lệ, chậm nhất là trong thời gian 15 ngày làm việc, người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ giám định đến Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có trách nhiệm giám định cho người lao động hoặc thân nhân người lao động.

Nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người lao động hoặc thân nhân người lao động. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết.

Thời hạn giới thiệu người lao động giám định y khoa:

- Đối với các trường hợp giám định để thực hiện chế độ hưu trí, khoảng cách giữa hai lần giám định tối thiếu là 06 (sáu) tháng.

- Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời hạn giới thiệu giám định ít nhất sau 02 năm (đủ 24 tháng) kể từ ngày người lao động được Hội đồng GĐYK kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần liền kề trước đó.

- Đối với các trường hợp có đủ điều kiện giám định tổng hợp, trong giấy giới thiệu gửi đến Hội đồng GĐYK, cơ quan giới thiệu người lao động cần ghi rõ yêu cầu: “khám giám định tổng hợp” ngay từ đầu.

- Đối với các trường hợp giám định khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại theo qui định hiện hành của pháp luật về khiếu nại.

Tiến Mạnh