Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như thế nào ?

04/05/2010 07:28 AM


Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của chính sách BHTN là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, đồng thời tạo điều kiện cho họ có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới thích hợp để ổn định cuộc sống.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của chính sách BHTN là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, đồng thời tạo điều kiện cho họ có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới thích hợp để ổn định cuộc sống.

Từ quan điểm chỉ đạo đó, Quốc hội, Nhà nước và các ngành chức năng đã ban hành các văn bản pháp luật chế định những điều khoản thực hiện chế độ BHTN. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện ngoài việc đơn vị sử dụng lao động, người lao động phải tham gia phí BHTN, Chính phủ cũng đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ BHTN để thanh toán chế độ cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có ý kiến phân vân việc xác định rõ nguồn kinh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như thế nào? Chúng tôi xin trao đổi để cùng nghiên cứu vận dụng thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Trước hết chúng ta cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 96/2009/TT- BTC ngày 20/05/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ BHTN và xác định rõ phạm vi hỗ trợ gồm có hai khoản: Hỗ trợ đóng BHTN thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động và hỗ trợ đóng BHTN đối với người tham gia BHTN.

1. Đối với hỗ trợ đóng BHTN thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động thì được phân ra hai loại hình.

a. Loại hình thứ nhất được ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn kinh phí đóng BHTN của đơn vị sử dụng lao động theo mức quy định và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, bao gồm: Những đơn vị sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.

Để có khoản kinh phí đóng BHTN này, yêu cầu các đơn vị trên hàng năm phải lập dự toán theo quy định chế độ tài chính. Riêng năm 2009, đơn vị sử dụng lao động căn cứ danh sách người lao động thuộc đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia BHTN đã đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội lập dự toán kinh phí đóng BHTN gửi đơn vị dự toán cấp trên. Đơn vị dự toán cấp I tổng hợp và có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định giao bổ sung dự toán từ nguồn cải cách tiền lương năm 2009 theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

b. Loại hình thứ hai những đơn vị sử dụng lao động tự bảo đảm nguồn kinh phí đóng BHTN theo mức quy định, bao gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam. Khoản kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị này được hạch toán vào chi phí dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

2. Đối với hỗ trợ đóng BHTN cho những người tham gia BHTN được phân ra hai nguồn kinh phí: Địa phương và trung ương

a. Ngân sách địa phương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ BHTN theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên mà kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương.

b. Ngân sách trung ương bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động sau:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên mà kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương.

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

Để có khoản kinh phí hỗ trợ đóng BHTN này, yêu cầu cơ quan tài chính các cấp chủ trì phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp lập dự toán mức ngân sách hỗ trợ theo phân cấp. Riêng năm 2009, ngân sách trung ương bảo đảm toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định. Bộ Tài chính căn cứ báo cáo quyết toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chuyển một lần vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định.

Thanh Vân