Một số vấn đề cần lưu ý trong việc giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại đơn vị sử dụng lao động

25/01/2010 09:24 AM


Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23; lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (DSPHSK).

Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23; lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (DSPHSK).

+ Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau:

Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ DSPHSK. Thời gian nghỉ cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe còn yếu sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày ngày;

- Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe còn yếu sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

- Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

+ Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

Trong khoảng thời gian 30 ngày tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu quy định tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian hưởng chế độ sinh con quy định tại Điều 31 Luật này mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ DSPHSK. Thời gian nghỉ cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 02 con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Điều kiện để người lao động được nghỉ DSPHSK theo quy định trên là rất cụ thể. Tuy nhiên trên thực tế, một số đơn vị sử dụng lao động khi lập thủ tục đề nghị quyết toán số tiền DSPHSK cho người lao động đã phản ánh chưa đúng hoặc không đầy đủ điều kiện hưởng DSPHSK cho người lao động. Trong danh sách người lao động đề nghị hưởng trợ cấp nghỉ DSPHSK sau ốm đau, sau thai sản do đơn vị lập (Mẫu C68a-HD và Mẫu C69a-HD), cột D (điều kiện tính hưởng) ghi không đầy đủ, ghi chung chung như: “ốm đau”, “thai sản”, “sinh con”, có đơn vị ghi điều kiện hưởng là “công nhân”, “cán bộ”, “nhân viên”… gây khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội khi quyết toán số ngày nghỉ theo quy định và như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong trường hợp được nghỉ DSPHSK với số ngày tối đa. Mặt khác, một số đơn vị sử dụng lao động giải quyết nghỉ DSPHSK cho người lao động sau khi đã hết thời điểm được nghỉ nên cơ quan Bảo hiểm xã hội không có cơ sở để quyết toán số tiền DSPHSK mà đơn vị đề nghị.

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, các đơn vị sử dụng lao động cần giải quyết nghỉ DSPHSK cho người lao động có đủ điều kiện một cách kịp thời, đầy đủ và khi lập thủ tục đề nghị quyết toán số tiền DSPHSK cho người lao động phải ghi đầy đủ, cụ thể, rõ ràng điều kiện tính hưởng trong danh sách (mẫu C68a-HD và C69a-HD), tạo thuận lợi để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc quyết toán số tiền DSPHSK mà đơn vị đề nghị theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Tiến Mạnh