Tiếp tục tuyên truyền những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

20/01/2010 03:03 PM


Thực hiện Nghị định số 190/2007/NĐ- CP, ngày 28/12/2007 của Chính phủ về “Hướng dẫn một số Điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, thời gian qua BHXH các huyện, thị xã, thành phố tập trung: Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, cơ quan truyền thông đại chúng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai hiệu quả BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Thực hiện Nghị định số 190/2007/NĐ- CP, ngày 28/12/2007 của Chính phủ về “Hướng dẫn một số Điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, thời gian qua BHXH các huyện, thị xã, thành phố tập trung: Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, cơ quan truyền thông đại chúng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai hiệu quả BHXH tự nguyện trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, khảo sát, nắm số lượng, tổ chức tuyên truyền vận động các nhóm đối tượng. Kết quả, tính đến cuối năm 2009 toàn tỉnh đã vận động được 303 người đăng ký nộp phí tham gia với số tiền trên 584 triệu đồng. tăng so với kế hoạch 17,32%.

Tuy nhiên so với tiềm năng, kết quả này là khiêm tốn đòi hỏi sự cố gắng lớn của các đơn vị mở rộng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2010. Để thực hiện được điều này, ngoài việc tiếp tục phát huy những biện pháp đã thực hiện cần giải thích thêm những điểm mới trong chính sách BHXH tự nguyện, bao gồm:

- Kể từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 mức đóng hàng tháng bằng tỷ lệ 18% mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, do người tham gia đóng. Trong đó mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung được xác định theo công thức: Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn = Lmin + m x 50.000 đồng/tháng (Lmin: mức lương tối thiểu chung, m: mức người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn để đăng ký đóng BHXH, là số nguyên lớn hơn hoặc bằng (0, 1, 2, 3, 4…)

- Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã khi nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu hàng tháng.

Cán bộ xã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp một lần, thì thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội được tính là thời gian để hưởng bảo hiểm xã hội hoặc được cộng nối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

-Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thời gian tính này cũng để thực hiện điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.

Trung Lý