Suy nghĩ về việc quản lý và sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số

08/01/2010 08:54 AM


Thực hiện nội dung kết luận tại cuộc họp ngày 04 tháng 8 năm 2009, do UBND tỉnh Gia Lai chủ trì họp với các UBND huyện, ngành có liên quan bàn biện pháp triển khai thực hiện Đề án cấp thẻ BHYT có ảnh cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thực hiện nội dung kết luận tại cuộc họp ngày 04 tháng 8 năm 2009, do UBND tỉnh Gia Lai chủ trì họp với các UBND huyện, ngành có liên quan bàn biện pháp triển khai thực hiện Đề án cấp thẻ BHYT có ảnh cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến nay Bảo hiểm xã hội Gia Lai đã thực hiện cấp thẻ BHYT có ảnh theo hộ gia đình trong giai đoạn I cho 24 125 người thuộc 10 xã của huyện Mang Yang (09 xã) và huyện Chư Sê (01 xã).

Kết quả này bước đầu đã đáp ứng nội dung: Những hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có từ hai thành viên trở lên cùng đăng ký tại một cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, hiện đang sinh sống trên địa bàn thì được cấp thẻ theo hộ gia đình. Thẻ BHYT hộ gia đình đã thể hiện đầy đủ các thông tin của các thành viên tham gia trong hộ gia đình, bao gồm: Mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và ảnh của từng người. Trường hợp chưa có ảnh thì vẫn thể hiện đầy đủ các thông tin của cá nhân người ấy. Điều này đã khắc phục tình trạng sai sót các thông tin về nhân thân như cấp thẻ BHYT trước đây.

Nhằm khắc phục tình trạng việc quản lý, bảo quản và trình thẻ khi đi khám chữa bệnh đối với người đồng bào chưa thực hiện đầy đủ, Bảo hiểm xã hội Gia Lai đã tiến hành in ấn tờ rơi hướng dẫn những điều cần biết về chế độ BHYT, việc quản lý, sử dụng thẻ khi đi KCB bằng hai chữ viết: Ba nar và Jơ rai, phát hành kèm theo thẻ BHYT cấp phát đến từng hộ gia đình.

Từ ngày 01/01/2010 loại thẻ BHYT hộ gia đình này có giá trị sử dụng đi KCB BHYT theo quy định của Luật BHYT. Tuy nhiên, qua ý kiến phân vân một số nội dung về cách tiến hành xử lý thẻ BHYT khi có sự tăng giảm người trong hộ gia đình hoặc nếu một lúc có nhiều người đi khám chữa bệnh thì hộ gia đình sẽ xử lý ra sao. Những nội dung này đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn tại công văn số: 4924/BHXH – CST ngày 24/12/2009 về việc quản lý và sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình với nội dung cơ bản: Trong quá trình sử dụng nếu có phát sinh thêm thành viên nhập vào hộ gia đình thì được cơ quan BHXH thu hồi thẻ BHYT đã cấp để cấp lại thẻ mới có bổ sung thành viên tăng thêm hoặc cấp thêm thẻ BHYT theo mẫu cá nhân cho người tăng mới. Trường hợp giảm thành viên (chuyển đi nơi khác, tách hộ, chết…) thì cơ quan BHXH đóng dấu “NGỪNG THAM GIA BHYT” ở vị trí in thông tin của người ngừng tham gia BHYT trên thẻ BHYT, đồng thời điều chỉnh giảm danh sách người tham gia BHYT.

Đối với thẻ BHYT hộ gia đình có in ảnh các thành viên trong hộ gia đình, khi đi KCB không phải xuất trình thêm một loại giấy tờ tùy thân có ảnh. Cơ sở KCB có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, ghi đầy đủ các thông tin của người bệnh vào sổ theo dõi theo quy định về KCB BHYT, sau đó trả lại thẻ cho người bệnh hoặc gia đình họ, để các thành viên khác trong hộ sử dụng đi KCB nếu phát sinh. Nếu có điều trị nội trú thì cơ sở KCB phải photo thêm thẻ BHYT (có chữ ký của người kiểm tra) để lưu hồ sơ bệnh án.

Những nội dung quy định trên đã phần nào tạo thuận lợi cho người bệnh nhưng khi tổ chức thực hiện là không phải dễ dàng. Đối với tình hình đặc điểm của người đồng bào dân tộc thiểu số phải cần có những cơ chế biện pháp và quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong khâu: Khai báo, lập danh sách tăng, giảm, chụp ảnh hoặc kinh phí cho cơ sở KCB photo lại thẻ, ai là người kiểm tra để ký vào bản photo thẻ… Thiết nghĩ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nên làm rõ thêm để tạo sự thông thoáng cho cơ sở thực hiện.

Trung Lý