Từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 97/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

17/12/2009 07:47 AM


Ngày 13 tháng 11 năm 2009, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội ban hành Thông tư số 36/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính Phủ.

Ảnh minh họa
Ngày 13 tháng 11 năm 2009, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội ban hành Thông tư số 36/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính Phủ.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư là các công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo Thông tư số 35/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội); Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo Thông tư số 35/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội). Các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên gọi chung là doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công.

Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 như sau: - Mức 980.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

- Mức 880.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

- Mức 810.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

- Mức 730.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp được thực hiện từ ngày 01/01/2010. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng nêu trên để trả công cho người lao động phù hợp với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và mức tiền công trên thị trường.

Đối với doanh nghiệp có các đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.

Mức lương tối thiểu vùng được làm cơ sở tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công quy định đối với doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương.

Theo quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ, địa bàn tỉnh Gia Lai áp dụng hai mức lương tối thiểu vùng là: Mức 810.000 đồng/tháng áp dụng đối với địa bàn thành phố Pleiku (vùng III); mức 730.000 đồng/tháng áp dụng đối với các địa bàn còn lại của tỉnh (vùng IV).

Tiến Mạnh