Nguyện giữ mãi sự tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

15/12/2009 07:46 AM


Một lần nữa những ngày của tháng mười hai lại đến, tháng mà dân tộc ta tiến hành tổ chức kỷ niệm lần thứ 65 năm “Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009). Có lẽ những ngày này, dù ai đó còn trong quân ngũ hoặc đã rời quân ngũ ít nhiều trong tâm khảm cũng tái hiện lên những giá trị bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Một lần nữa những ngày của tháng mười hai lại đến, tháng mà dân tộc ta tiến hành tổ chức kỷ niệm lần thứ 65 năm “Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009). Có lẽ những ngày này, dù ai đó còn trong quân ngũ hoặc đã rời quân ngũ ít nhiều trong tâm khảm cũng tái hiện lên những giá trị bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Quân đội ta được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sỹ do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung.Từ lúc ban đầu ra đời với cái tên gọi: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. “Đội” này ra đời xuất phát từ nhiệm vụ chính trị chính là tuyên truyền, giáo dục mọi người về công việc giải phóng đất nước. Sau đó, theo hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, Đảng ta chủ trương thực hiện song song hai nhiệm vụ tuyên truyển giáo dục và bằng hình thức vũ trang để đấu tranh giành lại chính quyền. Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân. Tháng 11 năm 1945 Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 7/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dù qua mấy lần đổi tên, nhưng “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn là tên gọi thân thương của nhân dân ta. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tâm thức của nhân dân như một tráng sĩ có sức lực cường tráng, có chí khí mạnh mẽ, dũng cảm chiến đấu, sáng tạo và không sợ gian khó, hy sinh. Điều ấy thể hiện rõ nhất trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm đã xuất hiện những hình ảnh, hành động của các chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chính đó, mà trong hơn 30 năm của thế kỉ XX, “Bộ đội Cụ Hồ” đã góp phần không nhỏ, cùng toàn dân, tạo nên sự thành công long trời, lở đất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiếp theo đó đã bảo vệ được thành quả trên bằng những chiến thắng trọn vẹn đánh bại các thế lực ngoại xâm, thống nhất non sông đất nước. Bên cạnh chức năng chiến đấu, trong mối quan hệ máu thịt thường ngày với nhân dân, “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn song song hai chức năng khác là công tác và sản xuất. Rõ nét nhất là trong thời gian đất nước ra khỏi chiến tranh lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đi liền với nhiệm vụ nắm chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ta còn hăng hái tham gia sản suất, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, góp sức giáo dục vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân thực hiện tố chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua những nhiệm vụ đó đã để lại trong lòng nhân dân một hình ảnh tốt đẹp của những người lính Cụ Hồ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Đã có không ít chiến sĩ bỏ mình khi lao vào dòng nước xoáy để cứu dân, cứu tài sản nhà nước trong những ngày bão lớn, lũ dông. Biết bao chiến sĩ năm này qua năm khác đến các vùng cao, bản làng khó khăn để tham gia công tác dân vận, mang đến cái chữ, tiếng đàn, tiếng hát cho bà con dân tộc thiểu số. Hoặc nén trong lòng những tình cảm riêng tư, gia đình để làm nhiệm vụ canh giữ đất trời trên các quần đảo giữa trùng dương ngày đêm sóng vỗ.

 
Ảnh minh họa.


Thực tế đã khẳng định rằng: Từ ngày đầu thành lập đến nay, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn luôn tỏ ra xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân ta. Trong đó, những người lính Cụ Hồ đã trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương và quý trọng đồng bào, chiến đấu dũng cảm, gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Đồng thời đã để lại một hình ảnh đẹp đẽ và tin yêu đối với mọi người. Xứng đáng là một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sẵn sàng một lòng với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và dân tộc.

Rất tự hào và biết ơn “Bộ đội Cụ Hồ”! Toàn thể nhân dân Việt Nam đều có tâm niệm như vậy. Hơn ai hết đối với những người lính cũ, dù không còn trong quân ngũ, chuyển sang làm những nhiệm vụ khác nhưng chúng ta không thể nào quên những đặc điểm truyền thống ấy. Đồng thời nguyện giữ mãi sự tỏa sáng phẩm chất của ‘Bộ đội Cụ Hồ” và tiếp tục phát huy trong mặt trận mới./.

Trung Lý