Một số vấn đề lưu ý khi khởi kiện đơn vị SDLĐ tại Tòa án

15/12/2009 07:22 AM


Ngoài các trình tự, thủ tục, chủ thể khởi kiện như đã giới thiệu trong các bài trước, chúng tôi xin tiếp tục trao đổi một số lưu ý khi thực hiện việc khởi kiện đơn vị SDLĐ tại Tòa như sau:

Ngoài các trình tự, thủ tục, chủ thể khởi kiện như đã giới thiệu trong các bài trước, chúng tôi xin tiếp tục trao đổi một số lưu ý khi thực hiện việc khởi kiện đơn vị SDLĐ tại Tòa như sau:

1.Ủy quyền khởi kiện:

Giám đốc cơ quan BHXH có thể làm văn bản ủy quyền (có đầy đủ chữ ký, đóng dấu) cho người khác làm đại diện nguyên đơn cho cơ quan BHXH tham gia tố tụng. Người đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

2. Quỹ BHXH không thuộc thành phần sở hữu Nhà nước:

Quỹ BHXH gồm quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện và quỹ BH thất nghiệp. Nguồn hình thành chỉ có một phần tiền hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, quỹ BHXH không thuộc sở hữu Nhà nước.

3. Căn cứ pháp lý của các văn bản quy định tỷ lệ lãi suất chậm nộp của BHXH Việt Nam:

Điều 20, Luật BHXH quy định: tổ chức BHXH có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHXH theo quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH.Hàng năm, BHXH VN trình Hội đồng quản lý phương án đầu tư quỹ BHXH trong đó có lãi suất đầu tư. Vì vậy, văn bản thông báo tỷ lệ lãi suất chậm nộp của BHXH VN là có căn cứ pháp lý.

4.Tòa án trả lại đơn khởi kiện:

Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau:

- Thời hiệu khởi kiện đã hết;

- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí mà cơ quan BHXH không nộp, không đến Tòa án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

- Chưa có đủ điều kiện để khởi kiện;

- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, cơ quan BHXH có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.

5. Về trách nhiệm nguyên đơn:

Cơ quan BHXH với tư cách nguyên đơn phải có mặt tại phiên tòa sơ thẩm theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

6. Về việc kháng cáo bản án sơ thẩm:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, nếu cơ quan BHXH không đồng ý với bản án đó thì có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

7. Về thời hiệu yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án:

Thời hiệu thi hành án là thời gian đã qua mà người được thi hành án không yêu cầu thi hành án thì người phải thi hành án được giải trừ nghĩa vụ thi hành án. Việc quy định thời hiệu buộc người được thi hành án phải yêu cầu thi hành án trong thời hạn do luật định. Nếu hết thời hạn đó mà người được thi hành án không yêu cầu thi hành thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

8. Yêu cầu thi hành án:

Cơ quan BHXH yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau:

- Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự.

- Gửi đơn qua bưu điện

9. Yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan BHXH có quyền làm đơn yâu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật nếu phát hiện đơn vị bị kiện có dấu hiệu tẩu tán, chuyển dịch tài sản ảnh hưởng đến việc thi hành án.Đồng thời cơ quan BHXH phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Sông Kôn