Có một người như thế

10/12/2009 08:46 AM


Tôi gặp ông lần đầu tiên vào một ngày mùa đông năm 1986. Lúc ấy ông còn là một cán bộ tăng cường và giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Tú An - một xã vùng căn cứ cách mạng, nổi tiếng với trận đánh đồn Tú thuỷ đã đi vào lịch sử. Tuy chưa phải là một xã xa nhất huyện An Khê lúc bấy giờ nhưng Tú An vẫn là một xã nghèo và khó khăn của huyện An Khê.

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào một ngày mùa đông năm 1986. Lúc ấy ông còn là một cán bộ tăng cường và giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Tú An - một xã vùng căn cứ cách mạng, nổi tiếng với trận đánh đồn Tú thuỷ đã đi vào lịch sử. Tuy chưa phải là một xã xa nhất huyện An Khê lúc bấy giờ nhưng Tú An vẫn là một xã nghèo và khó khăn của huyện An Khê. Ngay trong lần gặp đầu tiên ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khá sâu sắc về ông: Phong cách làm việc nhẹ nhàng, chu đáo nhưng cương quyết và chắc chắn. Cách làm việc ấy để lại cho người đến làm việc có một không khí chân thành, cởi mở. Ông là Phan Hùng Dũng, hiện nay là đại lý chi trả các chế độ cho đối tượng BHXH trên địa bàn xã Tú An, Thị xã An Khê.

Hồi ấy đường đi đến xã còn là đường đất, gồ ghề những ổ trâu, ổ gà rất khó đi, tôi là một anh bộ đội chuyển ngành mới tò te, đạp chiếc xe đạp cà tàng không có chắn bùn, chắn xích (lúc ấy lương của tôi chỉ có 250 đồng, tháng 12 kg gạo thì phải nhận 4 kg mì lát nên có được chiếc xe ấy là oách lắm rồi), đường tới xã chỉ có gần 20 cây số mà đạp xe mất gần nửa ngày. Tới xã đã gần trưa, gặp ông, câu đầu ông hỏi tôi :”Ông chưa ăn gì phải không?”. Tôi ngẩn người chưa biết ông hỏi ai thì ông vỗ vai tôi: “Mình hỏi ông ăn gì chưa?”(Ông có cách xưng hô lạ lùng đến vậy!). Rồi không để tôi kịp trả lời, ông vừa cười vừa nói: “Mình vui miệng hỏi vậy thôi chứ đường đi vào đây toàn rừng núi có gì mà ăn! Thôi về nhà mình chiêu đãi ông rồi chiều ta làm việc sau.”

Về nhà ông, tôi hiểu cuộc sống của gia đình ông cũng còn rất khó khăn. Trong lúc ông mời tôi đi thăm vườn nhà thì chỉ một chút sau, bà đã nấu xong cơm. Bữa cơm với cá kho, cà đắng tuy không phải cao lương mỹ vị nhưng tôi chưa bao giờ thấy ăn ngon đến thế. Có lẽ phần do cơm gạo mới nhà ông nhưng tôi biết rằng phần chính là do tấm lòng mến khách của ông bà.

Năm sau ông được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông lại tiếp tục tham gia công tác tại xã, ông làm chủ tịch Mặt trận xã, rồi chủ tịch Hội Người cao tuổi… mà hồi ấy đó là công tác xã hội làm gì có chế độ như hiện nay. Nhưng việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Vừa tham gia công tác tại xã, cũng từ năm 1989, ông nhận làm Trưởng ban TB-XH (lúc đó còn quản lý cả đối tượng Bảo hiểm xã hội và đối tượng Người có công) xã và đảm nhận cả việc chi trả chế độ cho các đối tượng trên địa bàn xã. Đến khi thành lập ngành BHXH, được xã giới thiệu và các đối tượng tín nhiệm, ông lại nhận là Tổ trưởng hưu trí kiêm đại lý chi trả các chế độ cho các đối tượng BHXH trên địa bàn.
 
Ông Phan Hùng Dũng

Đã hơn 15 năm, không kể mưa nắng, ông cần mẫn làm việc, không ngại đi gần 20 cây số vào BHXH thị xã để nhận tiền về chi cho kịp thời gian, rồi các thủ tục quyết toán, báo tăng, báo giảm…, cứ mỗi tháng 4 -5 lần đi lại. Ông vẫn nhiệt tình năng nổ, không một lời phàn nàn, kêu ca. Hơn 20 năm làm việc với ông tôi luôn yên tâm và tin tưởng bởi chưa lần nào ông chi sai hoặc cấp tiền cho đối tượng bị chậm. Những điều chỉnh lương và trợ cấp ông đều hỏi tôi chi tiết và về giải thích chu đáo cho mọi người. Những thay đổi về đối tượng đều được ông báo kịp thời cho cơ quan, nên đã 15 năm qua trong xã không ai có thắc mắc gì về chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước. Có một lần tôi hỏi ông: “Tiền lệ phí có được là bao vậy mà sao bác vẫn gắn bó với chúng cháu, vẫn làm việc nhiệt tình như vậy”. Ông nói giọng chậm rãi: “Hình như cái máu lính ở trong mình vẫn còn đậm đà lắm, ở nhà một ngày là đã bứt rứt chân tay. Hơn nữa mình đi làm cho vui vì trong tổ hưu đều là đồng đội cũ của mình, hàng tháng đi cấp tiền mới có điều kiện gặp gỡ nhau để hàn huyên chuyện cũ”. (Ông có đến 20 năm công tác trong quân đội). Trước đây còn khoẻ, ông vẫn đạp xe đi về. Mấy năm nay, tuổi cao, sức khoẻ của ông cũng đã yếu đi nhiều ông bắt đứa cháu chở đi bằng xe máy.

Cứ mối lần ra xã công tác tôi đều ghé thăm ông bà. Mới đây, tôi cùng Đảng uỷ, UBND xã tham gia họp với Tổ hưu trí xã, trước cuộc họp tay vuốt chòm râu đã bạc trắng, ông nói với đồng chí Chủ tịch UBND xã và tôi: “ Năm nay mình đã 77, sức khoẻ cũng đã giảm sút, có lẽ các ông tìm cho mình người thay thế được rồi.”. Tôi im lặng. Vào cuộc họp tôi chú ý lắng nghe mọi ý kiến nói về ông, tôi thấy ông vẫn được tin tưởng lắm. Cuối buổi họp mặc dù ông cố gắng trình bày lý do xin nghỉ nhưng mọi người vẫn nhất trí bầu lại ông làmTổ trưởng hưu trí kiêm đại lý chi trả. Tôi hết nhìn ông rồi lại nhìn đồng chí Chủ tịch UBND xã không biết nên nói thế nào.

Trong bữa cơm thân mật cùng với tổ hưu sau cuộc họp, tôi ghé sang hỏi một bác cán bộ hưu trí bên cạnh: “Sao các bác lại tín nhiệm tổ trưởng cũ đến thế”. Bác nháy mắt hóm hỉnh: “Vì tiền chế độ là cuộc sống hàng ngày của chúng tôi mà lỵ”.

Quay lại, tôi bắt gặp nụ cười hiền lành pha chút tự hào của ông: “Đấy ông xem, đâu phải mình muốn nghỉ là nghỉ được ngay đâu!”. Tôi nói đùa với ông: “Ai bảo ngày xưa khi viết đơn xin vào Đảng chú thề chiến đấu vì Đảng đến hơi thở cuối cùng”. Ông cũng trả đũa tôi: “Mình chỉ thề chiến đấu vì Đảng đến hơi thở cuối cùng chứ có thề làm đại lý cho ông đến hơi thở cuối cùng đâu”.

Cả tôi và ông cùng cười.

Hôm nay, đến hẹn lại lên. Ông lại đến BHXH thị xã nhận kinh phí để về cấp cho đối tượng trong xã. Vẫn nụ cười hiền lành, phong cách làm việc cẩn thận và chu đáo, song trong tôi dâng lên một niềm tin và sự kính trọng đối với ông.

Sông Ba