Sự khác nhau giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại

03/12/2009 01:29 PM


Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện đã và đang giải quyết cơ bản vấn đề rủi ro xã hội, tạo điều kiện và góp phần đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong chính sách an sinh xã hội, chính sách BHXH phát huy vai trò trụ cột và bền vững nhất, chính vì vậy, việc tham gia BHXH là nhu cầu hết sức cần thiết của người lao động.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện đã và đang giải quyết cơ bản vấn đề rủi ro xã hội, tạo điều kiện và góp phần đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong chính sách an sinh xã hội, chính sách BHXH phát huy vai trò trụ cột và bền vững nhất, chính vì vậy, việc tham gia BHXH là nhu cầu hết sức cần thiết của người lao động.

Từ khi Luật BHXH ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ ngày 01/01/2009 đối với bảo hiểm thất nghiệp, chính sách BHXH đã đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại trước đó và mở rộng quyền lợi hưởng BHXH đối với người tham gia BHXH. Luật BHXH cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức BHXH trong việc thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động tham gia BHXH. Vì vậy, người lao động đã phần nào hiểu được các chính sách, chế độ BHXH của Đảng, Nhà nước để có thể tự bảo vệ hoặc đề nghị các cơ quan chức năng liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người lao động, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, lao động trong các trang trại, hợp tác xã và lao động nông nghiệp nói chung vẫn còn nhầm lẫn giữa BHXH với bảo hiểm thương mại.
 
Tham gia BHXH là nhu cầu hết sức cần thiết của người lao động. Ảnh minh họa
Về nguyên tắc, BHXH và bảo hiểm thương mại đều hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản là “có đóng, có hưởng”, mức hưởng được xác định trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia mang tính chất “cộng đồng chia sẻ rủi ro”, “lấy số đông bù số ít” và đều nhằm để bù đắp một phần thu nhập cho đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải rủi ro dẫn đến bị thiệt hại. Tuy nhiên, giữa BHXH và bảo hiểm thương mại có sự khác nhau về mục tiêu và phạm vi hoạt động.

Mục tiêu hoạt động của BHXH là thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần ổn định và đảm bảo an toàn xã hội. Các chính sách, chế độ BHXH tác động trực tiếp đến không chỉ bản thân người lao động mà còn tác động cả đến những thành viên trong gia đình của họ. Các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, các tổ chức khác có liên quan theo quy định của pháp luật và tổ chức BHXH có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động tham gia BHXH. Vì vậy, mục tiêu hoạt động của BHXH là hoạt động phi lợi nhuận và nhằm mục đích an sinh xã hội. Còn mục tiêu hoạt động của bảo hiểm thương mại là lợi nhuận.

Phạm vi hoạt động của BHXH chỉ diễn ra trong từng quốc gia, chính sách BHXH trực tiếp liên quan đến người lao động và các thành viên trong gia đình của họ. Cơ sở xây dựng mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH dựa vào tiền lương, tiền công và thu nhập của người lao động, cho nên khi có sự thay đổi về chính sách tiền lương, tiền công và thu nhập của người lao động thì mức đóng cũng thay đổi theo. Về mức hưởng, tuy được xác định trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng nhưng cũng được điều chỉnh mức hưởng khi có sự thay đổi chính sách tiền lương, tiền công và sự biến động tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế của từng thời kỳ nhằm đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động thụ hưởng chế độ BHXH.

Phạm vi hoạt động của bảo hiểm thương mại không chỉ diễn ra trong mỗi quốc gia mà còn sang cả các quốc gia khác. Các Công ty bảo hiểm thương mại có thể hoạt động ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và trên toàn thế giới, các sản phẩm của bảo hiểm thương mại có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động bảo hiểm thương mại thực hiện theo cơ chế thị trường và nguyên tắc hạch toán kinh doanh, cho nên các sản phẩm của bảo hiểm thương mại trên thị trường sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà cung cấp. Ứng với mỗi sản phẩm và từng mức đóng góp bảo hiểm nhất định thì khi xảy ra rủi ro, người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận một mức quyền lợi tương ứng quy định trước, do vậy quan hệ giữa mức đóng góp và mức hưởng bảo hiểm là quan hệ tương đồng thuần túy, không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thu nhập cao hay thấp của người tham gia mà chủ yếu là việc tham gia bảo hiểm ở mức nào và đóng như thế nào cho sản phẩm bảo hiểm mà người đó tham gia.

BHXH là một chính sách xã hội nhưng đồng thời cũng là một công cụ của Nhà nước tham gia vào việc phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý giữa các tầng lớp dân cư. Về cơ bản, nguồn kinh phí để thực hiện chính sách BHXH do người sử dụng lao động và người lao động tham gia đóng góp, Nhà nước bảo hộ, đảm bảo cho quỹ BHXH không bị phá sản đã giảm bớt được “gánh nặng” cho Ngân sách Nhà nước, nhưng Nhà nước vẫn thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội lâu dài và bền vững, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tiến Mạnh CĐBHXH