Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện phụ cấp khu vực theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP

17/09/2009 01:35 PM


Sau khi triển khai thực hiện thí điểm phụ cấp khu vực (PCKV) theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ tại huyện Đăk Đoa (trong tháng 7/2009), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn công tác thực hiện PCKV (trong tháng 8/2009) cho cán bộ nghiệp vụ của 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

        Sau khi triển khai thực hiện thí điểm phụ cấp khu vực (PCKV) theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ tại huyện Đăk Đoa (trong tháng 7/2009), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn công tác thực hiện PCKV (trong tháng 8/2009) cho cán bộ nghiệp vụ của 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ và chuyển về BHXH tỉnh được gần hai ngàn trường hợp trong tổng số gần 4,8 ngàn đối tượng thuộc diện được hưởng PCKV theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP. Tính đến 15/9/2009 đã thực hiện được trên 1,1 ngàn hồ sơ với số tiền gần 7 tỷ đồng.

        Công tác hướng dẫn kê khai bổ sung địa chỉ xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, đơn vị của đối tượng đã công tác, làm việc mà trong sổ BHXH chưa thể hiện, cơ bản được thực hiện một cách nghiêm túc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện PCKV (Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 quy định hệ số PCKV theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn), xong đến nay còn nhiều đối tượng vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là đối tượng hưởng BHXH một lần) vẫn chưa cung cấp hồ sơ (sổ BHXH) cho cơ quan BHXH để thực hiện PCKV theo quy định.

        Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc chưa nộp hồ sơ làm cơ sở thực hiện PCKV mà nhiều trường hợp chưa thể nộp hoặc không thể nộp được hồ sơ. Theo đó, một số đối tượng nghỉ việc hưởng lương hưu, BHXH một lần từ ngày 01/01/2007 trở đi bị mất sổ BHXH; một số trường hợp sổ BHXH đơn vị sử dụng lao động chưa trả lại cho người lao động (đối tượng thuộc lực lượng vũ trang); một số đối tượng có thời gian công tác ở nước ngoài (như Lào, Campuchia); một số trường hợp có thời gian công tác ở Trường Sơn trước 30/4/1975 do đơn vị di chuyển nhiều nên không nhớ đã đóng quân ở địa phương nào (xã, phường, thị trấn), nhất là các đối tượng này nếu đã chết, thân nhân của họ lại càng không biết được địa chỉ nơi đóng quân của người đã chết, nên không cung cấp đầy đủ hồ sơ làm cơ sở giải quyết chế độ PCKV theo quy định.

        Để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu, BHXH một lần kể từ ngày 01/01/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng BHXH bao gồm PCKV thuộc đối tượng hưởng PCKV theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP, rất cần sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương, để cơ quan BHXH địa phương có cơ sở thực hiện.

Tiến Mạnh